HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Yên Thành – Nỗi lo “vùng lõm”

Người ta thường nói: “Quê lúa không giàu lên từ lúa” là để ám chỉ Yên Thành quê tôi. Điều đó quả không sai, nhưng lâu nay hơn 20 ngàn héc ta đất canh tác đã nuôi sống gần 30 vạn dân cho dù lúc đói lúc no.
Biết là thuần nông trở thành yếu thế của Yên Thành nên hàng chục năm qua, lãnh đạo huyện thời nào cũng trăn trở với hạt lúa, củ khoai, không ngừng đổi mới tư duy trồng cây gì, nuôi con gì, để đạt hiệu quả cao về kinh tế. Hết tham quan trong Nam rồi ngoài Bắc, ở đâu có mô hình là hối hả đến xem và học tập.

Để rồi tạo ra những cuộc bứt phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy năng suất lúa từ 5 tấn/ha năm 1990 lên 10 tấn/ha năm 2007. Và hiệu quả kinh tế từ 20 triệu đồng/ha năm 2000 lên 50 – 60 triệu đồng/ha năm 2008.

Với vùng bán sơn địa và chiêm trũng con số trên ý nghĩa biết chừng nào, bởi chính nó đã giúp hàng vạn người dân xoá đói giảm nghèo và hàng trăm cây số đường giao thông nông thôn được bê tông hóa và nhựa hóa.

Nhưng rốt cuộc người trồng lúa vẫn không giàu lên từ lúa thì câu hỏi bằng cách gì để Yên Thành được lột xác, đổi đời ngay trên chính mảnh đất của mình? Câu hỏi này luôn ám ảnh và thôi thúc tư duy của lãnh đạo huyện nhà.

Nhân ngày đầu xuân Kỷ Sửu khi cả huyện đang náo nức chuẩn bị đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước trao tặng, từ Bí thư Huyện ủy Phan Văn Tân đến Chủ tịch huyện Nguyễn Tiến Lợi đều có chung trăn trở: Nếu cứ đà này khi mà các huyện giáp ranh với Yên Thành như Đô Lương – Diễn Châu – Quỳnh Lưu đều nhộn nhịp xúc tiến đô thị hóa thì trong tương lai không xa Yên Thành sẽ trở thành “vùng lõm”…

Không chỉ có đói nghèo mà sẽ trở thành vùng quê lạc hậu với công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế. Vậy bằng cách nào để xoá được “vùng lõm”, ngăn sự tụt hậu của nền “văn minh lúa nước” Yên Thành?

Kế sách không chỉ trước mắt mà cả lâu dài là nhanh chóng tạo ra các trung tâm văn hóa phúc lợi hành chính – văn hóa thể thao của vùng, phát triển dịch vụ bằng cách chuyển hệ chợ sang xây dựng siêu thị, trong chợ phải có đình chợ, phía trước chợ ngoài siêu thị trung tâm là các ki-ốt dịch vụ.

Muốn tạo ra một chuỗi 12 thị tứ mà ở đó đều lấy chợ làm điểm nhấn như chợ Hôm (Hợp Thành), chợ Rộc (Trung Thành), chợ Bộng (Bảo Thành), chợ Kè (Mỹ Thành), chợ Láng (Tây Thành), chợ An (Mã Thành), chợ Mõ (Hậu Thành), chợ Ong (Minh Thành), chợ Tân Thành, cụm công nghiệp Sơn Thành thì việc kêu gọi các nhà đầu tư có sự hỗ trợ của Nhà nước là vô cùng cần thiết.

Trước mắt muốn gọi mời các nhà đầu tư bỏ vốn, các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi như dành đất trước chợ nơi sinh lợi nhất để xây dựng siêu thị. Ví như tại chợ Bộng xã Bảo Thành được xem là mô hình tiêu biểu. Nhà đầu tư Trần Quốc Kiệm đã bỏ ra 7 tỷ đồng xây dựng siêu thị 3 tầng với 1.500 m2 dự kiến sẽ đưa vào sử dụng quý 2/2009.

Theo đó xã sẽ tiếp tục tạo mặt bằng thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng cùng 200 ki-ốt ven tỉnh lộ 534 và Quốc lộ 7, tạo việc làm thường xuyên cho 300 lao động. Cùng với việc quy hoạch hệ thống giao thông, khu nhà chính, hệ thống trường học tạo cho Bảo Thành một gương mặt mới của nông thôn văn minh và hiện đại.

Ngoài ra, huyện tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng 4 cụm công nghiệp ở thị trấn huyện, thị trấn Vân Tụ (Công Thành), xã Đồng Thành, xã Đô Thành. Song song với việc chỉnh trang nông thôn thông qua quy hoạch giao thông, máng kẹp đường và hệ thống cây xanh tạo bóng mát và môi trường sạch đẹp.

Phương án xoá “vùng lõm” bằng cách xây dựng 2 thị trấn và 12 thị tứ, lấy chợ làm điểm nhấn, siêu thị là trung tâm đang vẽ ra cho Yên Thành một viễn cảnh mới.

Trong tương lai không xa gần 30 vạn dân huyện lúa vẫn gắn bó với hạt lúa củ khoai nhưng tin chắc họ sẽ đổi đời bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa.

Theo Nguyễn Quế Văn/ Báo Công An Nghệ An

[Thảo luận trong diễn đàn]

Tin bài liên quan