HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Nhà nhiếp ảnh Phan Duật: Người giữ lại niềm thương và nỗi nhớ…..

Xin được trích đăng bài viết của nhà báo Vũ Văn Cảnh trên trang Báo Nghệ An điện tử viết về nhà nhiếp ảnh Phan Duật – Linh hồn của Hiệu ảnh Ánh Hồng. Tuy ông đã đi xa, nhưng thương hiệu Hiệu ảnh Ánh Hồng vẫn còn đó, như nhắc nhớ một thời biết bao thế hệ gia đình mong chờ được ông chụp một bức hình chân dung đen trắng nhỏ xinh trong lòng bàn tay…
—————————–
Năm 1949, nhà nhiếp ảnh Phan Duật đứng vào hàng ngũ của Đảng, làm công tác địch vận ở mặt trận Bình Trị Thiên, chính trị viên huyện đội rồi trở thành cán bộ thuộc cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An, nhưng nhiếp ảnh đã cuốn hút và sống với ông suốt cuộc đời.
Là người con của huyện lúa Yên Thành, Phan Duật đã có hàng trăm bức ảnh về quê hương trong những ngày lửa đạn. Những bức ảnh của Phan Duật chụp về những người dân Yên Thành chiến đấu, sản xuất đã được trưng bày triển lãm, góp phần cổ vũ phong trào“Ba sẵn sàng’ “Ba đảm đang” lúc bấy giờ. Những bức ảnh về bộ đội cao xạ bắn máy bay Mỹ ở Cầu Dinh, dân quân bắt giặc lái Mỹ ở Nhân Thành đã làm sống mãi những năm tháng hào hùng của quân và dân Yên Thành trong chặng đường đi lên của mình. Với những bức ảnh đó mà Phan Duật đã trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Nhưng, trong tâm khảm của người dân Yên Thành, Phan Duật không chỉ làm sống mãi những năm tháng hào hùng của huyện mà ông chính là người giữ lại những niềm thương, nỗi nhớ.
Cầm máy từ năm 1953, ông Duật không nhớ là mình đã chụp bao nhiêu bức ảnh. Cái hiệu ảnh của ông ở Cầu Dinh mang tên Ánh Hồng có lẽ không một ai là người Yên Thành lại chưa một lần đến đó để chụp ảnh: ảnh kỷ niệm, ảnh hồ sơ, ảnh cưới xin… Với ông, cho đến hôm nay  tuy đã bước sang tuổi 93, nhưng mỗi lần nhắc đến quãng đời hơn 70 năm cầm máy của mình, ông không khỏi bùi ngùi và đầy tự hào, đó là  chụp ảnh trong những năm tháng mà cả nước lên đường ra mặt trận.
Suốt những năm dài chống Mỹ, mỗi năm có hàng nghìn người con Yên Thành lên đường nhập ngũ, đi thanh niên xung phong hay dân công hỏa tuyến. Ngày đó, được đi bộ đội là háo hức lắm, trước khi đi họ đều rủ nhau lên huyện để chụp ảnh, cả huyện chỉ có duy nhất một hiệu ảnh. Có khi họ chụp một mình, chụp chung với bạn bè, chụp với người yêu và cũng có khi là chụp cả gia đình… Đặc biệt nhiều hôm cả một đoàn bộ đội hành quân vào Nam, trong số này, không riêng người Yên Thành mà còn có những người con của các huyện và tỉnh khác trên miền Bắc, được nghỉ lại ở trạm gần đó. Nhân lúc nghỉ lại, họ đến xếp hàng yêu cầu ông chụp ảnh. Ông chụp suốt ngày, suốt đêm chưa nói đến in phóng. Chụp xong ảnh, họ chỉ để lại địa chỉ cho ông rồi lên đường, và cứ thế theo địa chỉ ông gửi ảnh về cho từng gia đình. Chiến tranh thư từ có khi cả năm mới tới, có gia đình mãi vài năm sau mới nhận được thư thì con của họ cũng đã ngã xuống nơi mặt trận.
Hồi đó, mỗi ngày ông chụp hàng chục cuộn phim. Khốn nỗi, việc mua phim, mua giấy ảnh lúc bấy giờ lại rất khó khăn, nhưng mọi sự đều được ông khắc phục. Niềm tự hào nhất của ông lúc bấy giờ là những bức ảnh ông chụp đã được các gia đình lưu lại qua những khung ảnh được treo cẩn thận trong nhà, được gói trong những chiếc mùi soa tặng lại người yêu hoặc cất kỹ trong ví, gói gọn trong ba lô theo những người lính ra mặt trận. Nói chuyện với chúng tôi, ông bùi ngùi “những người lính mà tôi chụp ảnh cho họ hồi đó sau chiến tranh nỏ biết ai còn ai mất”. Riêng Yên Thành nơi ông đang sống, đã có hơn 3570 người ra đi vĩnh viễn không về và hiện tại cũng đã có gần ngần ấy bức chân dung của họ do Phan Duật chụp đang được các gia đình nâng niu, lưu giữ. Để lại bằng ấy chân dung liệt sĩ với ông Duật là chuyện thường nhưng với các gia đình liệt sỹ đây là di sản vô giá.
Dưới cái nắng chói chang, theo đoàn cán bộ huyện chúng tôi xuống thăm một số gia đình liệt sĩ. Trong khói hương trầm phảng phất, phía sau là những bức ảnh của liệt sĩ, có ảnh đã được phục chế và phóng to nhưng cũng có ảnh còn giữ nguyên cỡ 4x6cm hoặc 6x9cm, đã mờ nhòe, tất cả các anh, các chị cứ nhìn vào chúng tôi… nhìn vào chúng tôi như thầm cảm ơn nhà nhiếp ảnh đã giữ lại khoảnh khắc cho họ, làm cầu nối để các anh, các chị mãi mãi gắn với gia đình với người thân.
Chia tay nhà nhiếp ảnh Phan Duật, tôi không khỏi bâng khuâng. Nhiếp ảnh có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, và chính những nhà nhiếp ảnh âm thầm, bình thường như Phan Duật đã làm cho nhiếp ảnh gắn kết hơn với đời sống.
Link bài viết:
https://baonghean.vn/phan-duat-nguoi-giu-lai-nhung-niem-thuong-noi-nho-post81949.html