Ông tên là Nguyễn Thế Thảo, 62 tuổi ở xóm 2A Yên Thịnh, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Bà con thường gọi là “ông Thảo hiền” bởi ông rất hiền hậu, sống chan hòa, vui tính, trong công việc thì cần cù chịu khó, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Luôn năng nổ trong mọi phong trào của Hội NCT và Hội CCB. Lĩnh vực nào ông cũng nhiệt tình tham gia, là người mẫu mực, làm gương cho con cháu noi theo. Ông rời quân ngũ trở về địa phương mới xây dựng gia đình nên cha già, con muộn. Là con trai trưởng ông phải tần tảo nuôi cha mẹ, gánh vác mọi công việc trong gia đình. Cha ông lâm bệnh hen suyễn nặng rồi qua đời năm 2004. Mẹ ông, nay 85 tuổi có bệnh kinh niên thấp khớp, mỗi khi trái gió trở trời cụ thường nằm một chỗ, ông lo thuốc thang và chăm sóc chu đáo. Để nuôi cả nhà, ông phải xoay xở nhiều nghề, như nghề mộc suốt 20 năm, tiếp đến mua máy về tuốt lúa, sửa xe đạp, đồ điện gia dụng… nhưng cũng không đủ nuôi 5 miệng ăn. Cái đói, cái nghèo cứ bám theo ông một thời gian dài. Mỗi lần cầm trên tay giấy chứng nhận hộ nghèo đi gửi cho hai đứa con học đại học, mà lòng ông nghẹn ngào khó nói nên lời với bà con lối xóm. Ông thầm nghĩ, bây giờ mình phải làm gì đây để thoát nghèo và có tiền nuôi 3 con ăn học. Nếu thoát được nghèo thì gia đình mình đỡ khổ, Nhà nước không phải hỗ trợ. Ông suy nghĩ mãi mà chưa tìm ra được một hướng đi thích hợp. Làm thế nào bây giờ khi trong tay không có một đồng vốn? Tình cờ, ông gặp một người bạn tri kỉ cùng chung chiến hào thời đánh Mỹ, qua tâm sự, góp ý, người bạn đã cho vay một số vốn. Số tiền tuy không nhiều, nhưng thật quý và lớn so với ông. Lại đúng dịp Chính phủ cho vay vốn ngân hàng hỗ trợ lãi suất thấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề, ông mạnh dạn vay ngân hàng 80 triệu đồng dồn vào mua máy móc, mở xưởng sản xuất gạch bê-tông.
Từ đầu năm 2009 đến nay, xưởng của ông hoạt động đều đặn có hiệu quả. Ông đã tạo được công ăn việc làm cho một số lao động nhàn rỗi trong xóm có mức lương từ 1 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Bước đầu, ông hướng dẫn cho người lao động biết cách thao tác, sử dụng máy trộn bê-tông, máy dập tự động qua dòng điện ba pha, bình quân mỗi ngày xưởng sản xuất được từ 1.500 đến 2.000 viên gạch, cung cấp cho nhu cầu xây dựng của bà con các xã trong vùng. Khách hàng chỉ cần gọi điện thoại là ông nhanh chóng chở gạch đến tận nhà. Những gia đình neo đơn, nghèo khó, ông luôn tận tình giúp đỡ, cho nợ và không lấy tiền công vận chuyển.
Ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhân dân rất thích dùng gạch bê-tông. Gạch của ông Thảo lại đẹp, bảo đảm kĩ thuật, chất lượng cao, nên sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài ra, đến mùa vụ cày cấy, ông Thảo lại dùng máy đi dập ruộng cho bà con trong xóm. Tính mỗi vụ cũng dập được gần mười mẫu ruộng, tiền công thu về được gần 10 triệu đồng. Công việc của ông luôn tay, bận rộn vất vả tối ngày, nhưng ông vẫn lạc quan yêu đời, làm không biết mệt mỏi.
Nhờ vậy, ông mới có điều kiện nuôi 2 con học đại học và 1 đang học lớp 11. Các con ông đều ngoan, học giỏi. Đó là niềm vui, niềm hi vọng lớn lao của đời ông.
Những giọt mồ hôi mặn chát hòa quyện bao nỗi khó khăn suốt những tháng năm qua đã tạo nên thành quả lao động đang giúp ông vững bước trên con đường xoá đói giảm nghèo
Theo Nguyễn Thị Thanh Lịch / báo Người Cao Tuổi Online