Trong căn nhà chẳng lấy gì làm rộng rãi của chị Tâm, dường như chỉ có sách là được thấy nhiều nhất.
Vợ chồng anh Khoan (xóm Văn Yên – Văn Thành – Yên Thành) trước ngôi nhà của mình.
Chị ngồi đối diện với chúng tôi, đôi mắt thâm quầng như nói lên nỗi vất vả cực nhọc. Mái tóc bạc nhiều so với tuổi 48 của chị. Là dân thuần nông, lại không có điều kiện để học hành nhiều, đến tuổi cập kê, chị cũng lập gia đình như bao người con gái khác ở vùng quê. Chồng chị, là một cựu quân nhân. Anh chị đến với nhau bằng tình yêu đôi lứa, cuộc sống cứ thế ngày càng thêm vui khi 4 đứa con lần lượt ra đời. Tuy vậy đi cùng với niềm vui đó là nỗi lo cơm áo…
“Nhiều đêm trằn trọc, vợ chồng tui bàn với nhau nghĩ cách kiếm tiền nuôi con ăn học. Rồi ai thuê cái chi vợ chồng tui cũng ôm lấy mà làm: cấy thuê, gặt thuê…” Những lúc rảnh rỗi, anh Khoan tranh thủ đan đôi thúng, đôi rổ bán cho bà con trong xóm kiếm thêm đôi đồng. Sức khoẻ của anh ấy gần đây không được tốt nên công việc đó cũng phù hợp hơn cả”.
Anh Khoan sức khoẻ yếu nên chị Tâm đóng vai trò gánh vác chính trong nhà. Hết lòng vì chồng con, đối với chị những phút giây nghỉ ngơi thoải mái thật là hiếm hoi. Khi hết vụ mùa, không còn ai thuê nữa, chị theo mấy chị em trong xóm đi buôn chè lá. Buổi sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, chị đãtrở dậy chuẩn bị lên đường. Bộ đồ nghề của chị vẻn vẹn chỉ có cái xe đạp “gộc” với hai cái sọt. Thời gian đầu cũng khá gian nan vất vả. Chị phải đạp xe 7 cây số ngược lên chợ Mõ ( Hậu Thành) lấy chè xong lại đạp xuôi về chợ Hợp Thành bán. Có hôm, chị còn phải đi 15 cây số mới lấy được hàng. “Gặp ngày trời ráo thì còn đỡ, trời mà mưa đường lại trơn thì tui phải đi từng chút một, gió và mưa cứ táp vào mặt rất rát. Những lúc đó tui tính bỏ nghề nhưng nghĩ chẳng biết lấy gì mà nuôi con ăn học nên cố gắng tiếp tục”. Mỗi ngày đi chợ như thế trung bình chị kiếm được 15 đến 20 ngàn. Hôm nào ế hàng chị đem về bán rẻ nhờ bà con mua giúp. Dù phải thắt lưng buộc bụng, chị vẫn mong con cái học hành thành tài. ” Tôi vẫn nói với các con rằng phải học thật giỏi, kiếm lấy cái ngành thì mới mong thoát khỏi cảnh nghèo. Cha mẹ không được học đến nơi đến chốn rồi nên khổ, giờ khó khăn thế nào các con cũng phải cố gắng học cho tốt”.
Anh chị có 4 người con thì cả 4 đều chăm ngoan học giỏi “Từ nhỏ, đứa nào cũng học giỏi, nhìn học bạ cuối năm của mấy đứa mà thương. Chẳng lẽ con học giỏi, ham học vậy mà lại để chúng nghỉ thì tội nghiệp lắm” anh Khoan tâm sự. Vậy là anh chị cố chạy vạy đây đó để có tiền cho con ăn học. Đến nay gia đình chị đã vay từ quỹ sinh viên nghèo lên đến 50 triệu đồng.
Con gái đầu của anh chị là Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1983. Năm 2001, Tuyết thi đỗ vào ĐH Kinh tế quốc dân TP. Hồ Chí Minh. Biết hoàn cảnh nhà mình khó khăn, cô cố gắng học thật giỏi, có học bổng. Ngoài ra Tuyết còn sắp xếp thời gian đi dạy kèm kiếm tiền giảm bớt chi phí gửi từ nhà vào cho cha mẹ. Đến nay, Tuyết đã đi làm trong TP.Hồ Chí Minh, tiếp tục chu cấp thêm cho các em ăn học.
Năm 2005, con trai thứ hai là Nguyễn Công Khoái thi đỗ vào Trường ĐH Nông Lâm Huế. Năm nay Khoái cũng ra trường chuẩn bị đi tìm việc làm. Theo gương anh chị, năm 2007 em trai thứ ba là Nguyễn Công Khâm, em út là Nguyễn Thị Nhung cũng đỗ vào ĐH. Khâm học ĐH Giao thông còn Nhung học Trường Học viện Tài chính, cả hai đều đang học ở Hà Nội.
Rời ngôi nhà có những con người luôn cố gắng vươn lên, không để mặc cho nghèo đói đưa đẩy, chúng tôi hết lòng nể phục. Chặng đường của anh Khoa chị Tâm tuy chưa hết khó khăn nhưng chúng tôi nhận thấy ẩn sâu trong những đôi mắt mệt mỏi ấy là niềm tự hào, hạnh phúc vì các con. Hẳn những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy của anh chị sẽ được đền đáp một cách xứng đáng.
Theo Báo điện tử Nghệ an