HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Tri ân chiến sĩ Điện Biên Phủ người Yên Thành

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), BCH Hội đồng hương huyện Yên Thành tại Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức đoàn chức mừng cụ Phù Văn Trinh (SN 1933) là chiến sỹ Điện Biên năm xưa đang sống tại phường 10, TP Vũng Tàu.

Trưởng Đoàn tri ân có ông Ngô Trí Hà, Phó Chủ tịch thường trực; ông Nguyễn Danh Bảy, ông Nguyễn Cảnh Trí, ông Lãi Văn Hùng – Ủy viên BCH hội đồng hương.

Ông Phù Văn Trinh sinh ra và lớn lên tại xã Hòa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1953, đến tuổi trưởng thành ông bắt đầu tham gia dân công hoả tuyến. Là một người yêu nước, sau một thời gian được đào tạo và huấn luyện ông được gia nhập vào quân chủ lực, là chiến sỹ của F316, E174, D251, C674 thuộc Sư đoàn 316, trung đoàn 174, tiểu đoàn 251, đại đội 674. Ông Trinh được giao nhiệm vụ là chiến sỹ bắn tỉa. Đây là đơn vị có công lớn tham gia ngay từ đầu chiến dịch cho đến giờ phút kết thúc vào lúc 17 giờ ngày 7/5/1954.

Ông Phù Văn Trinh nhớ lại ký ức, vào thời điểm đơn vị xông lên nóc hầm Đờ Cát tung cờ chiến thắng thì cũng chính lúc đó có 1 số đơn vị của Pháp gần đó chưa đầu hàng đã bắn đạn pháo vào các đồng đội nên có một số chiến sỹ hy sinh ngay giờ phút cuối cùng của chiến dịch lịch sử. Đó là sự mất mát vô cùng to lớn của đơn vị nói riêng và quân dân Việt Nam nói chung.

Sau chiến thắng Điện Biên ông Trinh là một trong các chiến sĩ lập nhiều thành tích trong chiến đấu trên đồi A1 đã được khắc tên trên bia chiến thắng tại Điện Biên Phủ.

Ông Phù Văn Trinh (x) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội tai hầm Đờ Cát

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường 55 ngày đêm mới có thể hạ được hầm này. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc. Và cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi, được ghi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954), công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ngô Trí Hà

 

Tin bài liên quan