HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

THCS Hoa Thành Ngôi trường có truyền thống hiếu học bậc nhất Yên Thành sắp bị xoá sổ

Trường THCS Hoa Thành là trường học được thành lập đầu tiên của huyện Yên Thành (1948). Trải qua những biến thiên của lịch sử trường vẫn không ngừng phát triển đi lên trong sự nghiệp trồng người. Nhiều cán bộ cao cấp trong bộ máy nhà nước, hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn… có nhiều cống hiến cho đất nước đã lớn lên từ mái trường này.Trường được coi là hồn cốt, là cái nôi về sự học của huyện Yên Thành. Nhưng sắp tới đây ngôi truờng này sẽ bị xoá sổ…

Nỗi niềm mất trường.

Ông Phan Xuân Hội bí thư Đảng uỷ xã Hoa Thành buồn bã cho biết: “Ngày 8/11 bà Nguyễn Thị Nhàn phó chủ UBND huyện cùng với ông Trần Minh, trưởng phòng GD & ĐT huyện xuống làm việc với thường vụ 2 xã Hoa Thành , Hợp thành cùng hiệu trưởng 2 trường THCS để thông báo việc giải thể trường THCS Hoa Thành. Học sinh Hoa Thành sẽ sát nhập với trường Hợp Thành và Thị trấn. Việc này chúng tôi hoàn toàn bất ngờ như không tin đó là sự thật. Khi được lãnh đạo huyện và lãnh đạo ngành lí giải rằng. Trường THCS Hoa thành chỉ còn 8 lớp với 288 học sinh rất khó trong việc bố trí chuyên môn cho nên theo quy định của cấp trên phải giải thể để nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định như vậy chúng tôi đồng tình nhưng chẳng lẽ không còn cách khác để giữ lại ngôi trường có bề dày truyền thống về hiếu học này ư? Toàn thể cán bộ và nhân dân xã Hoa Thành chúng tôi không đồng tình.” Quả vậy, toàn thể nhân dân xã Hoa Thành đã lặng đi khi nghe được thông tin này. Không riêng gì nhân dân xã Hoa Thành mà những người quan tâm đến sự nghiệp trồng người, những cựu học sinh của trường đều lặng đi, và cảm giác hụt hẫng như không tin đó là sự thật. Nhiều nhà giáo về hưu, nhiều vị cán bộ lão thành cách mạng đã không quản trời mưa đã lặn lội đi gặp trực tiếp lãnh đạo ngành, lãnh đạo huyện đề xuất ý kiến và khẩn thiết bằng mọi giá phải giữ lại ngôi trường.

Một góc trường THCS Hoa Thành

Nhà giáo Phan Duy Bảy nguyên hiệu trưởng trường cấp 2 Hoa Thành trăn trở: “Trường Cấp 2 Hoa Thành được thành lập đầu tiên của huyện Yên Thành. Từ ngày thành lập đến nay trường luôn là lá cờ đầu trong sự nghiệp trồng người của ngành GD- ĐT Yên Thành.Trước đây gọi là cấp 2 Lê Doãn Nhã nay là THCS Hoa Thành- trường luôn là địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh trong và ngoài xã gửi gắm con em mình. Học sinh ở các xã lân cận như Thị Trấn, Hợp Thành, Diễn Thái ( Diễn Châu) cũng đến học. Nhiều cán bộ cao cấp trong bộ máy nhà nước, hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, nhà thơ, nhà văn…có nhiều cống hiến cho đất nước đã lớn lên từ mái trường này như Nguyễn Cảnh Dinh Bộ Trưởng- Chủ nhiệm văn phòng chủ tịch nước; Giáo sư Phan Đăng Nhật ( giải thưởng nhà nước về nghiên cứu trường ca Tây Nguyên);Nhạc sĩ Hồng Đăng; Nhà thơ Phan Xuân Hạc ( hội viên hội nhà văn Việt Nam)… Còn một điều rất quan trọng nữa đó là trường đóng trên vùng đất được gọi là địa linh nhân kiệt có truyền thống về hiếu học. Từ ngày dựng nước đến nay triều đại nào cũng có người của Hoa Thành đỗ đạt và làm quan to. Điển hình như : Thám hoa Phan Duy Thực (1546); Tiến sĩ Phan Tất Thông ( 1754 ). Và Hoa Thành là quê hương của nhà trí thức cách mạng kiệt xuất Phan Đăng Lưu … Hoa Thành hiện nay còn lưu giữ được nhiều những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể: Gần chục di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá; Một quần thể kiến trúc đền chùa cổ kính được đánh giá vào bậc nhất của huyện Yên Thành… Về địa lý Hoa Thành nằm gần trung tâm huyện kết hợp được nhiều yếu tố thuận lợi về phong thuỷ . Chính trường học đặt ở địa bàn này rất hợp lý. Là ngôi trường có tryền thống, đóng trên vùng đất địa linh nhân kiệt có nhiều giá trị văn hoá chính là môi trường giáo dục tốt nhất. Nếu như giải thể đi thì buồn biết mấy. Tôi nghe nói mà cũng không tin là sự thật. Việc ít lớp sẽ có nhiều phương án giải quyết chứ mất trường là một cái mất rất lớn không riêng gì của xã Hoa Thành.”

Thầy giáo Phan Duy Bảy

Ông Chu Cấp một cựu tù côn đảo, một nhà giáo đã về hưu đang đi thăm con ở TP Hồ Chí Minh khi nghe được tin sắp giải thể trường, ông đi gần đến nơi đã tức tốc quay trở về để có ý kiến . Khi tôi đang viết bài này thì ông đã về đến Đà Nẵng. Ông nói qua điện thoại: “ Trường THCS Hoa Thành là hồn cốt, là cái nôi của sự học của cả huyện không thể giải thể. Cần phải có biện pháp giữ trường. Không thể để mất trường!”.

Nhà giáo ưu tú Chu Văn Tần nguyên hiệu trưởng trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết: “ Tôi đã đi gặp trực tiếp ông Trần Minh trưởng phòng GD & ĐT huyện và bà Nguyễn Thị Nhàn phó chủ tịch huyện nêu ý kiến giữ lại trường nhưng cả hai vị đều nói rằng. Trường chỉ có 8 lớp rất khó bố trí chuyên môn nên theo quy định phải giải thể. Lý do đó đối với trường Hoa Thành không thể chấp nhận được. Lẽ nào lại xoá sổ những giá trị văn hoá truyền thống lớn lao như thế?! Có rất nhiều phương án mà dư luận quan tâm. Đó là Thị Trấn có 2 trường THCS Bạch Liêu và THCS Phan Đăng Lưu thì chỉ nên giữ một trường Bạch liêu còn giải thể trường Phan Đăng Lưu . Học sinh Tăng Thành và khối 2 thị trấn chuyển về Bạch Liêu. Học sinh thuộc Khối 1 Thị Trấn ( trước đây của Hoa Thành) chuyển về Hoa Thành. Hoặc sát nhập tiểu học và THCS Hoa thành làm một.”. Ý kiến và giải pháp của nhà giáo ưu tú Chu Tần cũng là ý kiến chung của nhân dân huyện Yên Thành nói riêng và những người quan tâm đến sự nghiệp trồng người nói chung.

Nhà giáo ưu tú Chu Văn Tần

Thầy hiệu trưởng trường THCS Hoa Thành Lê văn Huệ cho biết: “ Tôi trước đây làm hiệu trưởng trường THCS Tăng Thành nhưng trường phải giải thể để sát nhập với trường Thị Trấn nên tôi được điều về đây làm hiệu trưởng từ đầu năm học 2008 đến nay. Khi được điều về đây tôi cũng đã biết được là sắp tới trường THCS Hoa Thành sẽ giải thể nên vấn đề phấn đấu xây dựng trường không thể thực hiện được. Muốn phấn đấu cũng chịu. Tôi thực sự chán nản về việc thuyên chuyển như trái bóng cứ đá đi đá lại như thế này. Toàn thể giáo viên cũng cùng chung tâm trạng hoang mang không biết sắp tới đây mình sẽ được điều đi dạy trường nào. Chính vì tâm lý không ổn định nên rất ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Hậu quả cuối cùng là học sinh phải gánh chịu… Ngôi trường này ngoài chất lượng dạy và học tốt thì cơ sở vật chất cũng khá khang trang, đạt chuẩn về trường học. Học sinh các xã lân cận như Văn Thành, Thị Trấn, Hợp Thành. Diễn Thái, Vĩnh Thành cũng tìm đến học. Nhưng buồn nỗi họ biết được trường sắp giải thể nên từ đầu năm học này con em các xã đó không đến học nữa.”

PV: Theo thầy việc giải thể trường THCS Hoa Thành có nên không?
Hiệu trưởng Lê Văn Huệ: Trường THCS Hoa Thành là ngôi trường có bề dày truyền thống về hiếu học. Năm nào đội ngũ học sinh giỏi của trường cũng đứng nhất nhì huyện. Hoa thành lại là quê hương của nhà trí thức cách mạng Phan đăng lưu . Xã này có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá…Có thể nói Hoa Thành là biểu tượng về sự học của Yên Thành. Vả lại Hoa Thành về địa lý cũng là trung tâm. Có thể nhận định Hoa Thành có điạ hình đẹp nhất huyện Yên Thành. Việc ít lớp giải thể theo quy định là đúng nhưng thiếu gì cách giải quyết.Theo tôi nên giữ lại mái trường này không nên giải thể. Thị Trấn hai Trường THCS nên cắt đi về Hoa Thành một trường, hoặc sát nhập cấp tiểu học và THCS làm một đều hợp lý hơn là giải thể trường THCS Hoa Thành.
PV: Nếu như trường THCS Hoa Thành giải thể để sát nhập trường THCS Thị Trấn và trường THCS Hợp Thành sẽ được và mất những gì?
Hiệu trưởng Lê Văn Huệ: Kế hoạch của UBND huyện năm học 2009-2010 sẽ giải thể trường THCS Hoa Thành. Khi giải thể, 75% học sinh Hoa Thành học tại trường THCS Phan Đăng Lưu ( thuộc thị trấn ) số còn lại học trường THCS Hợp Thành.Giải thể trường THCS hoa thành được cái gì tôi chưa biết nhưng cái mất lớn nhất là mất đi ngôi trường có bề dày truyền thống. Thứ hai là việc giải thể và sát nhập chắc chắn sẽ gặp nhiều phiền toái: Học sinh đi học xa nhà làm quen với môi trường mới gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp cũng như trong học tập. Vẫn đề xã hội hoá giáo dục cũng nhiêu khê vì tình trạng “ cha chung không ai khóc”; bố trí chuyên môn cũng phức tạp… Học sinh Hoa Thành sẽ trở thành quá tải cho trường THCS Phan Đăng Lưu. Hiện nay có hai cơ sở của trung tâm GDTX, 2 trường PTTH, 2 trường THCS, và hàng chục cơ quan ban nghành đều đóng trên địa bàn thị trấn. Như vậy, tăng học sinh tức là tăng mật độ tham gia giao thông . Tai nạn giao thông và những tiêu cực khác là điều khó tránh khỏi…
Lãnh đạo huyện nói gì?
Chúng tôi trao đổi vấn đề này với bà Nguyễn Thị Nhàn phó chủ tịch huyện Yên Thành được bà cho biết: “Trường Hoa Thành lớp ít nên theo quy định chúng tôi phải giải thể.!. Kế hoạch chúng tôi đã lên rồi chỉ chờ thông qua thường vụ nữa là thực thi”. Chúng tôi chất vấn: “ Trường THCS Hoa Thành là cái nôi, là hồn cốt của sự học và là môi trường giáo dục rất tốt không có cách gì giữ lại sao? Bà Nhàn nói : “Cho học sinh Hoa Thành lên thị trấn học cũng là môi trường tốt, thị trấn là bộ mặt, là trung tâm văn hoá chính trị của huyện.” Còn ông Nguyễn Văn Bình phó trưởng phòng GD & ĐT cũng cùng chung ý kiến với bà Nguyễn Thị Nhàn: “ Trường THCS Hoa Thành ít lớp nên chúng tôi phải giải thể!”
Chúng tôi xin được mượn lời nhà thơ Ngô Đức Tiến nguyên trưởng ban tuyên giáo huyện uỷ Yên Thành để làm đoạn kết cho bài viết này.: “Tầm nhìn chiến lược thì nên giữ lại trường THCS Hoa Thành. Đó là cái nôi của sự học và là môi trường giáo dục rất tốt. Giải thể trường THCS Hoa Thành là một tầm nhìn thiển cận, xoá bỏ đi những giá trị văn hoá truyền thống mà bao nhiêu thế hệ đã dày công vun đắp nên. Và là một hành động phản giáo dục. Toàn thể dân chúng và giáo giới Yên Thành không đồng tình việc giải thể trường THCS Hoa Thành. Đi trái với lòng dân, trái với sự phát triển bền vững là điều không nên.”

Theo yenthanh.net

Tin bài liên quan