HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Tết này bố mẹ… không về

Xóm Yên Thịnh (Mã Thành, Yên Thành, Nghệ An). Những ngày cận tết, trời hiu hiu lạnh, mấy đứa trẻ bồng bế nhau đứng trước đầu làng ngóng bố mẹ đi làm ăn xa trở về. Lâu lâu có đứa nhảy cẫng lên vì bố mẹ xuất hiện trên chiếc xe ôm. Mấy đứa khác nhìn bạn sà vào lòng bố mẹ với ánh mắt ghanh tị, thèm muốn…

Với nhiều đứa trẻ ở vùng quê bán sơn địa này thì niềm vui lớn nhất khi tết về là được gặp lại bố mẹ sau một năm xa nhớ. Thế nhưng không phải đứa trẻ cũng được hưởng niềm vui ấy khi bố mẹ chúng tết này không thể về.

Nỗi buồn con trẻ

Ông bà cháu Huyền ăn bữa cơm toàn su hào luộc
Ông bà cháu Huyền ăn bữa cơm toàn su hào luộc

Từ khi lác đác có người trong xóm Yên Thịnh từ miền Nam về quê ăn tết là chiều nào bốn chị em Huyền cũng dắt nhau ra đầu làng ngóng bố mẹ đi làm công nhân ở Bình Dương trở về. Dù đã bốn năm nay tết nào chị em Huyền cũng phải ăn tết không có bố mẹ nhưng chúng vẫn tin năm nay bố mẹ sẽ về.

Bà Nguyễn Thị Dung, bà ngoại chị em Huyền, thì biết chắc là năm nay chị em Huyền lại phải đón một cái tết không có bố mẹ, vì mẹ không có đủ tiền về, làm tháng nào chị cũng gửi về mua gạo cho con tháng đó.

Bố mẹ Huyền đi làm công nhân cách đây 4 năm, sau một năm thì bố bỏ đi theo người khác để mặc bốn đứa con nặng oằn trên vai mẹ Huyền. Đồng lương công nhân nhà máy gỗ của mẹ không đủ để nuôi bốn chị em nên tết nào niềm vui ngày tết của chị en Huyền cũng không trọn vẹn. Tết về lại cứ thui thủi đón tết trong căn nhà lụp xụp với ông bà ngoại năm nay đã gần 70 tuổi. Không quà bánh, không quần áo đẹp…

Năm nay học lớp 7 nhưng Huyền đã biết làm tất cả mọi việc, từ cơm nước giặt giũ tới đi cấy thuê. Ngày tết Huyền cũng biết lo như người lớn. Nghe bà ngoại nói với khách là tết này mẹ không về ăn tết được chị em Huyền ngồi buồn xo, đôi mắt cô chị cả ươn ướt như muốn khóc. Ba đứa em nhỏ thì nhao nhao hỏi bà sao bố mẹ không về. Niềm hi vọng mẹ về trong đôi mắt con trẻ vụt tắt trong giọng nói chuyện buồn rầu của bà ngoại.

Cũng như chị em Huyền, tết năm nay cu Khôi cũng đón một cái tết không có bố mẹ. Bà Phạm Thị Hoàn (Đội 8, Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An), bà nội Khôi năm nay đã 60 tuổi nhưng chưa có một ngày được nghỉ ngơi khi phải nuôi hết đứa cháu này tới đứa cháu khác để con dắt díu nhau vào miền Nam làm ăn. Mới 1 tuổi Khôi đã xa bố mẹ ở với ông bà nội. 5 tuổi nhưng Khôi mới đón một cái tết có bố mẹ, còn năm nào cũng chỉ với ông bà.

“Bố mẹ nó muốn về lắm nhưng nghe nói năm ni công ty phá sản nên không có tiền, đành lại để con ăn tết với ông bà”, bà Hoàn ngậm ngùi.

Có áo mới nhưng bé Khôi không háo hức vì bố mẹ không về
Có áo mới nhưng bé Khôi không háo hức vì bố mẹ không về

Mặc chiếc áo mới bố mẹ gửi về nhưng Khôi không háo hức như bao đứa trẻ khác, đôi mắt buồn vì bà nội nói tết này bố mẹ không về. Cô Nguyễn Thị Huyền giáo viên trường mầm non nơi Khôi học cho biết: “Mấy ngày gần tết khi có cháu nào đến lớp khoe bố mẹ đã về là các cháu bố mẹ chưa về lại ỉu xìu, có cháu còn bỏ bữa”.

Nỗi lo người già

Tết bố mẹ không về, con trẻ buồn còn ông bà thì lo. Lo để cháu mình có một cái tết trọn vẹn, lo để cháu khỏi tủi thân khi không có bố mẹ bên cạnh. “Bữa trước nó bắt ông bà đóng giả bố mẹ nó đã về khiến hai ông bà cười ra nước mắt. Thương cháu mà không biết làm răng cả o ơi”, bà Hoàn chia sẻ. Tết đến năm nào bà cũng cố gắng đưa Khôi đi chơi, chắt chiu mua quà cho cháu để cháu không tủi thân. Với bà nỗi lo nhất khi tết về là sợ cháu mình tủi thân.

Ở nhiều làng quê của huyện Yên Thành (Nghệ An) “đi Nam” không chỉ là cụm từ chỉ dành cho thanh niên như trước đây. Nhiều gia đình vì cuộc sống khó khăn mà vợ chồng phải gửi con cho ông bà để đi làm thuê. Đặc biệt là những đôi vợ chồng trẻ. Những đứa trẻ mới vừa cai sữa đã phải xa cha mẹ, những người ông người bà đã già nhưng vẫn vất vả nuôi cháu để con vào miền Nam.

Còn bà ngoại chị em Huyền thì nỗi lo lớn nhất khi tết về là làm sao kiếm tiền mua cho bốn đứa cháu mỗi đứa một bộ đồ tết, kiếm vài cân thịt, ít cái bánh để cháu mình được ăn tết như bao người vì mẹ chúng được bao nhiêu tiền gom về chỉ đủ mua gạo. Gia tài duy nhất mà bà trông chờ vào để mua quần áo tết cho cháu là đàn gà mà bà chăm chút suốt một năm nay.

“Ba mươi tết thấy con người ta đi chợ tết về xúng xính áo mới còn cháu mình vẫn nhem nhuốc xám xịt không cầm được nước mắt”, bà nghẹn ngào. Bà lần giở trong hộp trầu đếm mấy đồng tiền đã ngả màu khoe: “Đây là tiền chị em con bé Huyền đi cấy thuê, tui để dành tết mua thịt cho chúng. Hôm trước tôi lên xin cô giáo của mấy đứa cho không phải nộp bảo hiểm giờ mới còn đó”.

Đàn gà là gia tài duy nhất để bà cháu Huyền sắm tết
Đàn gà là gia tài duy nhất để bà cháu Huyền sắm tết
ơ

Trong căn nhà tồi tàn, ông bà cháu Huyền ăn bữa cơm giáp những ngày tết chỉ có mấy con cá kho mặn chát và một rổ su hào luộc. Vậy mà bọn nhỏ ăn ngon lành. “Có cơm mà ăn là tốt lắm rồi o ạ, ăn kham khổ để dành thịt bánh đêm giao thừa và sáng mồng một mà ăn cho có tết”, ông ngoại Huyền vừa trệu trạo nhai cơm vừa nói.

Nhìn bà cháu Huyền chăm chút đàn gà trong nắng ấm với niềm hi vọng tràn trề là những bộ đồ tết mới tinh, chợt thấy mùa xuân như về trong căn nhà cũ nát của mấy bà cháu, dù tết này bố mẹ lại không về.

Chúng tôi ra về. Đầu làng Yên Thịnh. Mấy đứa trẻ vẫn đứng ngóng bố mẹ trở về với đôi mắt háo hức mong chờ. Chị em Huyền không còn ra đầu làng nữa…

Tin bài liên quan