HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Người đàn ông cưu mang 50 đứa con khuyết tật

Người đàn ông tốt bụng đó chính là Tạ Duy Sáu (SN 1978) ở xóm Đại Hữu, xã Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An.

15 năm trước, trong một lần cơ nhỡ, lang thang đất Sài Gòn, không một xu dính túi, anh vào công viên nằm ngủ với cái bụng đói lả. Hai cha con ông lão mù đi hát rong ngang qua thương tình mua cho một bát hủ tiếu ăn tạm. Sau lần đó, anh khắc sâu tình cảm của ông lão kém may mắn và ấp ủ suy nghĩ, sau này lớn lên, sẽ cố làm lụng để cưu mang những số phận thiểu năng nhằm bù đắp thiệt thòi cho họ. Rồi anh trở thành người bố của gần 50 đứa trẻ tật nguyền trong ngôi nhà nhỏ của gia đình.

Tuổi trẻ bất hạnh

Theo sự chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến nhà anh Sáu. Giây phút ngỡ ngàng ban đầu nhanh chóng trôi qua, câu chuyện giữa tôi và anh càng lúc càng thân tình. Anh hạnh phúc khi nói đến cơ duyên cuộc đời để trở thành người bố của những đứa trẻ bất hạnh. Anh là con út trong một gia đình nghèo, có sáu anh em. Nhưng không may, một anh trai và một chị của anh lâm bệnh nặng rồi qua đời. Một thời gian sau, thêm một người chị tiếp tục bị liệt mà không có tiền chữa chạy. Kinh tế gia đình anh ngày càng kiệt quệ.

b894bbd72d0403e490675a1380dcd73d-1

Cầu thủ Công Vinh từng về thăm ngôi nhà tình thương của anh Sáu

Thấy cảnh gia đình khốn khó, 17 tuổi, Sáu quyết chí vào miền Nam tìm việc làm. Mọi thứ trong đôi mắt của chàng trai trẻ đều rất lạc quan, anh nghĩ bằng sức mình anh có thể kiếm tiền giúp bố mẹ. Nhưng chuyến đi này đã đưa anh tới những ngã rẽ bất ngờ. Nghe theo lời rủ rê của một người đàn ông, anh cùng đám bạn nghèo vào Đăk-Lăk với hi vọng làm cà-phê, mỗi tháng được 250 nghìn đồng. Nhưng không ngờ, khi đến nơi mới biết là mình bị lừa. Anh cùng đám bạn phải lao động khổ sai ở bãi đá Saphire, xã Trường Xuân.

Nói về quãng thời gian này, anh Sáu ngậm ngùi kể: Ai vào đây cũng bị bóc lột sức lao động dã man, không được trả tiền. Thậm chí  bọn chúng còn bắt hút thuốc phiện để có thêm sức, con gái thì bị bắt làm nô lệ tình dục. Phần lớn bị bắt vào đây là những người chưa có gia đình, người ít tuổi nhất là 10 tuổi. Hầu hết họ đều bị nghiện ma túy và nhiễm HIV. Riêng anh may mắn hơn nhờ cái miệng và theo như anh Sáu nói thì cả cái duyên nữa. “Khi đó cầm đầu là đại ca Trương Sỏi. Không hiểu sao ông ta lại thương mình. Trong khi tất cả đều bị bắt hút thuốc phiện, nhưng Trương Sỏi ra lệnh: Thằng nào hút thì hút, nhưng không được bắt thằng Sáu hút. Nhờ thế mà mình không bị nghiện, và bảo toàn được tính mạng”, anh Sáu nhớ lại.

Ba năm bị bắt đi làm phu đá, không một tin tức về cho gia đình, không được đi đâu ngoài bãi đá. Ốm đau, bệnh tật cũng không có bác sĩ hay thầy thuốc gì cả. Nếu ai có ý định chạy trốn đều bị xử lý theo luật rừng, không bỏ mạng thì cũng thương tật. Có một kỷ niệm trong ba năm đó đến bây giờ anh vẫn còn nhớ như in. Khoảng  cuối năm 1997, được sự ưu ái và tin tưởng của đại ca Trương Sỏi, anh Sáu được giao nhiệm vụ đi nhận lương thực về cho cả trại. Có hai người bị sốt rét nặng nhưng không có thuốc, nhờ anh tìm cách đưa ra ngoài chữa bệnh. Anh giấu họ trên xe lương thực, rau quả rồi thoát ra ngoài. Khi đang trên đường, một nhóm bảo kê cầm theo mã tấu truy tìm hai người trốn thoát. Họ vây quanh xe hàng nhưng không dám kiểm tra vì nể đại ca. Khi đó mình cũng sợ lắm, nhưng lương tâm của mình không cho phép bỏ mặc họ. Đúng là dao sắc không gọt được chuôi, lần ấy mình cứu được hai người nhưng lại không thể giải thoát được bản thân.

Năm 1998, lực lượng cơ động và công an điều tra tỉnh Đăk-Lăk đã phá được vụ án ở bãi đá Sapphire này, Trương Sỏi và đồng bọn bị bắt, toàn bộ lao động bị lừa đều được giải thoát và trả về địa phương. Bản thân anh Sáu không dám về quê vì sau ba năm đi làm xa nhà mà không có lấy một xu dính túi. Anh quyết định vào Sài Gòn mưu sinh. Nhưng với số tiền các đồng chí công an cho về quê, anh chỉ đủ đi tới Sài Gòn rồi hết sạch. Đêm đầu tiên ở một thành phố xa hoa túi không có tiền, anh phải ôm bụng đói vào ngủ ở ghế đá công viên. Đúng lúc đó, một ông lão mù đi hát rong qua, thương tình mua cho anh tô hủ tiếu. Cảm nhận được tình người ấm áp của một người khuyết tật, trong khi những con người khỏe mạnh lại tìm cách lừa gạt, bóc lột mình, anh rất xúc động. Từ khoảnh khắc đó, anh luôn ấp ủ ước mơ được cưu mang những số phận kém may mắn và bù đắp cho họ.

fdff63a59551356bd9a5a220e520c6d8-2

Anh Sáu và cháu Minh Châu, thành viên mới trong gia đình

Nuôi dưỡng ước mơ cứu giúp người bất hạnh

Rồi ước mơ kỳ cục ấy cứ lớn dần trong anh, bám riết trong từng suy nghĩ và theo anh từng bước trên trường đời gian khổ. Ba năm vật vã mưu sinh ở đất Sài Gòn, anh Sáu làm hết mọi việc từ đi  bụi, bán báo, vé số, nhân viên phục vụ. Đi nhiều nơi, gặp những mảnh đời bất hạnh mà trong lòng không khỏi xót xa thương cảm. Và cái suy nghĩ được bù đắp cho họ cứ như một ngọn đuốc ngày càng bừng sáng trong trái tim nhân hậu của chàng trai trẻ.

Đầu năm 2001, trong một lần đi bán báo dạo trên đường phố Sài Gòn, anh gặp chị Lê Thị Lương, người con gái kém anh hai tuổi, cùng quê Nghệ An. Hai tâm hồn đồng điệu, gặp nhau nơi đất khách quê người nên dễ thông cảm và nhanh chóng hiểu nhau.  Khi anh Sáu tâm sự về ước mơ được chia sẻ nỗi đau, cưu mang những số phận bất hạnh, chị Lương ủng hộ và giúp đỡ hết mình. Cùng khát khao làm việc nghĩa, tình cảm đôi trẻ ngày thêm thắm thiết. Cuối năm 2001, anh chị về quê ra mắt gia đình và làm đám cưới, rồi họ chung tay bỏ số tiền bao năm bươn chải, bán báo ở Sài Gòn, mua máy lạnh về làm xưởng kem, tạo công ăn việc làm cho 7 người tàn tật trong địa phương. Đó cũng  là những viên gạch đầu tiên làm nền móng để anh chị thực hiện ý tưởng giúp đỡ những người kém may mắn.

Nhưng xưởng kem quy mô nhỏ nên chỉ tạo được rất ít việc làm cho người tàn tật, trong khi còn đó những đứa bé sinh ra bị bỏ rơi, dị tật bẩm sinh và rất nhiều trường hợp đáng thương khác. Thế là anh chị bàn nhau bán xưởng kem, thế chấp ngôi nhà bố mẹ để lại, cầm trong tay 500 triệu đồng xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội mang tên Hiền Lương, chuyên thu nhận nuôi dạy những đứa trẻ không may mắn bị bệnh tật, cơ nhỡ không cha mẹ. Hiện nay Trung tâm này đã có gần 50 đứa trẻ đang được chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng. Theo ghi nhận, tại trung tâm Hiền Lương của anh có tới 17 cháu bị bại não, 22 trẻ bị thiểu năng và nhiều trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Mỗi cháu một hoàn cảnh, bệnh tật, bị bỏ rơi đến đây đều được vợ chồng anh dành tình cảm yêu thương chăm sóc như con đẻ. Ngồi dưới mái nhà tình thương cao cả mang tên Hiền Lương, nghe tiếng cười rôm rả hòa lẫn với tiếng bi bô tập nói và cả tiếng ú ớ của những đứa trẻ khiếm khuyết, những người có mặt ai cũng rưng rưng.

Chia sẻ về những kỷ niệm buồn vui trong quá trình thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình, anh Sáu kể: Có lúc  anh đã suýt nữa bị công an bắt vì tội buôn bán trẻ em. Đó là năm 2007, trong chuyến đi công tác ở huyện Quế Phong, anh Sáu đã nhặt được một bé trai bị một người phụ nữ bỏ lại trong chiếc nôi, treo trước cửa một ngôi chùa. Ngay lập tức anh mang đứa trẻ về xã làm thủ tục để đưa về nuôi dưỡng. Khi về trung tâm có người đàn ông hiếm muộn đến xin được nhận đứa bé làm con nuôi và được anh chấp nhận. Làm phúc phải tội, ai đó đã tung tin là anh bán đứa bé với số tiền kha khá. Thế là ngay giữa đêm khuya, công an đánh cả xe U-oát đứng trước cửa, yêu cầu đưa anh về cơ quan công an phục vụ điều tra. Sau khi tìm hiểu, điều tra vụ việc, các anh công an đã hiểu được tấm lòng thánh thiện của anh.

Theo Kinh Thành – Như Hải/ nguoiduatin

Tin bài liên quan