HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Nghị lực của một người đi bằng tay

Người chồng dáng nhỏ thó dị tật liệt nửa người còn vợ lành lặn, nết na. Họ nên vợ thành chồng với nhau nay đã có 3 mặt con khôi ngô, ngoan ngoãn. Đó là chuyện tình của anh Tạ Duy Huy và chị Vương Thị Liên, khiến cả huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) ai cũng khâm phục.

Là con út trong gia đình 6 anh em, lớn lên thấy cảnh nhà nghèo, tương lai mịt mù, có lúc cậu đã nghĩ đến cái chết. Tuổi thành niên, cũng lê lết đi khắp đầu làng cuối xóm… Thấy cảnh vậy, người con gái làng bên đã trót lòng yêu mến.

Giữa cái rét nàng bân thâm da tím thịt, chúng tôi về huyện Yên Thành, được nghe mọi người giới thiệu nhiệt tình đến chuyện vợ chồng anh Huy, chị Liên. “Đi mô cho xa, cứ về làng Đại Hữu, xã Thọ Thành mà nghe chuyện chồng thấp vợ cao. Không phải chỉ có trên sân khấu diễn kịch mô. Có thật, một trăm phần trăm. Chồng la cà lết la khắp đầu đường xó chợ nhưng vợ vẫn yêu, vẫn thương, vẫn đẻ con sòn sòn với hắn”. Nghe bà con nói, tôi một mực lần mò về làng Đại Hữu vào một buổi chiều tà.

Người đàn ông xuất hiện trước mặt tôi có nước da ngăm đen, miệng cười như thể mo cau đưa đôi tay thoăn thoắt rót nước chè nóng mời khách. Trong căn nhà cấp 4, hai gian lợp ngói, khói nước chè xanh tỏa lên nghi ngút cả không gian nhỏ bé. “Anh hỏi ai chứ chuyện chồng thấp vợ cao chính là tui đây. Con tui đi học hết cả. Vợ tui đang đi làm đồng, tý nữa về”, Huy đon đả tiếp chuyện.

 

Gia đình anh Huy, chị Liên bây giờ.

Bên ấm nước chè, Tạ Duy Huy tâm sự về chính cuộc đời của mình.

Sinh năm 1969, lớn lên, thấy bạn bè cùng trang lứa vui chơi chạy nhảy, Huy cũng tập đi. Có lần, Huy tập đứng dậy đi nhưng lại ngã xuống, cùi chân, đầu gối tứa máu. Nhiều lần, đi chẳng được, đứng chẳng xong, anh đã nghĩ chết quách đi cái đời bò lê lết bằng 2 tay. Năm đó Huy tròn 20 tuổi, cứ chiều lại thì mon men ra bãi chăn trâu gần mép sông tập… bò. Bọn trẻ con thấy “chú Huy” tập bò, cười nắc nẻ.

Một lần, anh cúi mặt bò thục mạng xuống sông thì gặp một người con gái đang cắt cỏ gần đó. Nửa người chìm xuống nước, trời nhá nhem tối, chị đã dìu anh lên bờ. Lâu dần, người con gái ấy đã gắn duyên mình với Huy trên chính con đê ngăn cách giữa 2 làng. Ngày đầu đến với nhau, bên nhà vợ nhất nhất ngăn cản. Như cái duyên trời định, nay họ đã có một mái ấm hạnh phúc nho nhỏ sớm tối bên nhau.

Đang chuyện trò thì chị Liên, vợ anh cũng về khiến câu chuyện tình của họ lại rôm rả hơn.

Ngày biết chị Liên một mực đem lòng yêu anh chàng suốt đời đi bằng 2 tay, gia đình cô đã phản đối, khuyên can… Dù có lời qua tiếng lại, Liên vẫn một mực theo Huy về nhà chồng. Ngày vu quy của họ cũng thật đơn giản nhưng đầy đủ mọi người chứng kiến.

Huy kể: “Đám cưới tui, mọi người phải kê ghế cao hơn vợ nhưng Liên bảo vợ trên, chồng dưới chẳng sao, miễn là chúng mình yêu thương nhau”. Và, đúng là từ năm 1995, ngày anh chị về chung sống với nhau đến giờ, hạnh phúc đã được họ dệt nên thành chuyện cổ tích giữa đời thường.

Hằng ngày, anh Sáu được chị Liên đưa xe lăn đẩy đến Trung tâm Bảo trợ xã hội trong xã Thọ Thành làm nghề đan lát, kết chổi đót. Xong đó, chị lại về nhà tươm tất việc cơm nước, đồng áng.

Bây giờ, nhìn gia cảnh của anh Huy và chị Liên, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trong nhà chẳng có nổi đến một gia sản giá trị ngoài chiếc xe lăn và mấy bì thóc đang cạn dần cho đến khi giáp hạt.

“Ba đứa con anh, con gái đầu là Tạ Thị Hương năm nay học lớp 8, học giỏi nhưng phải lo. Chị Liên lo vì cháu ngày càng học cao thì biết lấy tiền đâu ra. Rồi đứa thứ 2 là Tạ Thị Trầm, đứa út là Tạ Văn Hà cũng đang tuổi ăn, tuổi học”. Gò má gầy cõm, đôi tay sần sùi màu bùn, chị Liên nói trong sự lo lắng. Được biết, anh Huy và chị Liên sinh cùng năm, tuổi bằng nhau. Người đời bảo “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”, nhưng nhìn cảnh anh chị bây giờ thì nhầm lớn.

Gia cảnh bố mẹ Liên cũng chẳng khác gì anh Huy. Cũng nghèo, cũng quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Lấy nhau chưa đầy 3 tháng thì anh Huy và chị Liên được bố mẹ cắt cho mấy trăm mét đất đầu vườn rồi cho ra ở riêng. Vợ ngày ngày mò cua bắt ốc để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Còn anh Huy ban đầu cũng lần mò đi vào từng nhà trong xóm đi đan sửa lại cái mủng, cái mẹt cho người ta. Được thời gian, mủng mẹt cũng bị thay thế bằng đồ nhựa, anh mất cần kiếm cơm.

Anh Tạ Duy Sáu, người hàng xóm thấy cảnh vợ chồng họ như vậy nên giới thiệu anh vào Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật để mong kiếm thêm thu nhập. Còn chị Liên, lành lặn, khỏe mạnh hơn thì đi vác đất, làm công cho người ta.

Vất vả, nghèo đói nhưng khi hỏi chuyện cuộc sống vợ chồng, chị Liên nhoẻn cười: “Có gì đâu các anh. Chồng em dù có suốt đời đi bằng 2 tay vẫn là chồng em. Em chấp nhận cuộc sống khổ cực để được sống bên cạnh anh ấy”

Theo Trần Ngọc Thái / Báo Công An Nhân Dân Online

Tin bài liên quan