Đề án ” Phát triển văn hoá – thông tin – thể thao đồng bộ giai đoạn 2006 – 2010″ được UBND huyện Yên Thành ban hành ngày 9/8/2006 với mục đích ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá cho nhân dân. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đề án bước đầu đạt một số kết quả nhất định.
Tính đến cuối năm 2008, 100% xã, thị trấn đã phê duyệt và ban hành thực hiện đề án. Nhìn chung nội dung các đề án ở xã, thị trấn đã bám sát thực trạng tình hình của địa phương và đề ra biện pháp thực hiện phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Nhàn – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cái được lớn nhất là đề án đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng, nhận thức về công tác văn hoá thông tin trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên. Từ đó, tác động sâu rộng đến việc phát huy nguồn lực xã hội theo hướng xã hội hoá, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Thời gian qua, Phòng và Trung tâm VHTT huyện đã được kiện toàn lại về nhân sự, bổ sung thêm lực lượng trẻ kế cận có trình độ đại học dần đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm này đã có 12 xã, thị bổ sung công chức văn hoá như Thị trấn, Hợp Thành, Long Thành, Mã Thành, Hậu Thành…Đến nay toàn huyện 38/38 xã có cán bộ công chức văn hoá được đào tạo chuyên môn phù hợp, trong đó 50% đạt trình độ đại học và cao đẳng. Song song với chất lượng đội ngũ cán bộ thì cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá – thể thao cũng từng bước được đầu tư đúng hướng. Trung tâm VHTT huyện đã được đầu tư ngân sách nâng cấp các phòng truyền thống, phòng làm việc, thư viện, sân chơi thể thao…với số vốn hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh việc sửa chữa, UBND huyện quy hoạch xây dựng sân vận động tại khu vực mới nhằm tạo cảnh quan đô thị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá, thể thao, những sự kiện chính trị quan trọng của huyện.
Toàn huyện đã có 1.363.124m2 đất dành cho hoạt động VH – TT; 485/488 làng quy hoạch đất dành cho hoạt động VHTT (đạt tỷ lệ 99,3%); 10 xã xây mới và nâng cấp nhà văn hoá đa chức năng; 474/488 làng có nhà văn hoá, trong đó có trên 50% đạt chuẩn; 38/38 xã có sân vận động (trong đó có 6/38 xã có 2 sân vận động)…Ngoài ra hầu hết các xã đều có thư viện, phòng truyền thống, đài tưởng niệm, đài truyền thanh cơ sở… Cuộc vận động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các xã, thị. Hàng năm đều tiến hành triển khai bình xét danh hiệu Gia đình VH và định kỳ hai năm tổ chức liên hoan Gia đình VH cấp cơ sở. Đến cuối năm 2008 có 179 làng đạt danh hiệu Làng VH, 14 xã được UBND huyện công nhận đạt chuẩn xây dựng thiết chế VH – TT – TT đồng bộ và phát triển đời sống văn hoá cơ sở, tiêu biểu như Nam Thành, Nhân Thành, Phúc Thành, Trung Thành…
Huyện cũng đã tổ chức khôi phục nhiều lễ hội như lễ hội đền Đức Hoàng, lễ hội đền Canh (Đức Thành), đền Cả (Hoa Thành), đền – chùa Gám (Xuân Thành), lễ hội Đại Điển Đình Mõ (Hậu Thành), lễ hội làng Phú Văn (Vĩnh Thành)… Bên cạnh đó, còn hình thành các câu lạc bộ “Vốn cổ, hát tuồng” ở các xã Trung Thành, Xuân Thành, Bắc Thành, Hậu Thành, Phúc Thành và Đồng Thành. Chính quyền nơi đây đã nuôi dưỡng các CLB, các đội văn nghệ bằng cách cấp ruộng để sản xuất gây quỹ, miễn trừ công ích cho những người tham gia CLB. Được biết, hàng năm các CLB, đội văn nghệ này đã xây dựng chương trình phục vụ nhân dân từ 6 đến 12 buổi (chưa kể các chương trình phục vụ đột xuất). Chính những hình thức hoạt động này đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, đồng thời bảo tồn, gìn giữ bản sắc riêng của vùng quê lúa.
Theo Báo nghệ an