Trong ký ức của những người cựu chiến binh ở Sài Gòn ở tuổi xưa nay hiếm, ngày Tết Độc lập 02/9/1945 có ý nghĩa thiêng liêng. Mùa thu ấy ghi dấu một trang sử lịch sử hào hùng, đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường mới cho Việt Nam.
Thời khắc đó, người dân cả nước sôi sục khí thế yêu nước, chống giặc ngoại xâm và ý chí quyết tâm giành độc lập tự do cho dân tộc.
Trong không khí hào hùng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi lặn lội đi tìm những “nhân chứng sống” của lịch sử tại Thành phố mang tên Bác.
Gần 80 năm trôi qua, giây phút lịch sử ấy vẫn mãi khắc ghi và rực cháy trong lòng người những người cựu chiến binh già của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến – Hưu trí quận 10.
Ở tuổi 97, nhớ lại thời thanh niên sôi nổi tuổi 17, Đại tá Đinh Văn Huệ, nguyên Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Tham mưu quân khu 7 vẫn vẹn nguyên ký ức.
Thời điểm ấy, chàng thanh niên quả cảm Đinh Văn Huệ là thành viên tổ chức Thanh niên Tiền phong, đang là học sinh của trường College (trường THPT) Cần Thơ.
“Khi được nghe bản Tuyên ngôn độc lập, thời đó chưa có radio, chưa có máy vi tính hiện đại, chỉ nghe các anh lớn tuổi nói “Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, đất nước đã danh chánh ngôn thuận là một dân tộc được độc lập, ấm no, hạnh phúc rồi bà con….”. Mãi sau này mới được học bản tuyên ngôn đó.”
Còn với người cựu chiến binh, lão thành cách mạng Hoàng Ngọc Thương, ông không thể quên được những khẩu hiệu như “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Độc lập hay là chết”… giăng đầy các con đường lớn.
79 năm tuổi Đảng, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy hy sinh và mất mát, trong ông vẫn vẹn nguyên lời của Bác Hồ.
Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Hoàng Ngọc Thương, nay cũng đã ở tuổi 97, không giấu nổi niềm xúc động khi còn là chàng thanh niên thực hiện nhiệm vụ ở kinh thành Huế:
“Tất cả phái đoàn của Trung ương về đây rồi. Mọi người chuẩn bị để được nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Trong lúc đó vua Bảo Đại đã giao lại ấn kiếm. Cờ, hoa, thuyền trên sông Hương dày đặc. Khí thế có thể nói hùng hũng. Lúc đó tôi làm liên lạc, hoàn thành nhiệm vụ đưa hết tài liệu đưa xuống hết các huyện rồi. Không có gì sung sướng bằng”.
Tại Sài Gòn ngày ấy, lễ đài độc lập được đặt trên đường Norodom, nay là đường Lê Duẩn, sau Nhà thờ Đức Bà do Xứ ủy, Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ tổ chức nhằm biểu dương lực lượng và tinh thần yêu nước, quyết tâm ủng hộ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Hầu hết người dân Sài Gòn từ các nơi đổ về từ sớm, tạo thành một biển người đông chưa từng thấy. Cờ đỏ sao vàng rợp trời và các khẩu hiệu giăng khắp các ngả đường.
Giữa biển người ở Sài Gòn, mọi người xúc động chờ nghe tiếng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập qua hệ thống loa phát thanh.
Chúng tôi may mắn được gặp Đại tá, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) tại nhà riêng của ông ở quận Bình Thạnh. Ông hồi tưởng lại: “Lúc đó là một tinh thần phấn khởi, vì trước giờ đâu có tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. “Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập…”.
Niềm vui độc lập chưa kịp trọn vẹn, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã phải đối mặt với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.
Lịch sử, sẽ không bao giờ quên những ngày tháng ấy. Từ một Sài Gòn sục sôi, hào hùng và bi tráng trong ngày Tết Độc lập; chúng ta đã có một thành phố năng động, hiện đại như ngày hôm nay.
Gần 80 năm trôi qua, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của bao lớp cha anh ngày ấy vẫn sống mãi và tiếp thêm lửa để những thế hệ thanh niên hôm nay tiếp tục cống hiến trên con đường dựng xây đất nước đẹp giàu.
Hồng Lĩnh – VOV Giao thông