HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Một học sinh mất cả gia đình vì HIV/AIDS

Ngôi nhà đổ nát, một em bé khoảng mười bốn tuổi ôm di ảnh của mẹ khóc nức nở. Đó là em Trần Thị Oanh học sinh lớp 8D trường THCS Bảo Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Bố, mẹ và em trai của Oanh đã bị “tử thần ết” cướp đi sinh mạng.

Thảm họa

Năm 1995 anh Trần Văn Thuyết kết duyên với chị Nguyễn Thị Hợi người cùng làng. Năm đó sinh con gái đầu lòng là Trần Thị Oanh. Tuy chỉ với vài sào ruộng khoán cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tiếng cười luôn đầy ắp trong căn nhà nhỏ của họ.

Để có thêm thu nhập đỡ đần cho vợ con, anh Thuyết đã theo bạn vào Nam làm thuê. Lăn lộn kiếm sống được năm năm, do sức khỏe yếu và hay bệnh tật nên anh phải trở về. Một năm sau chị Hợi sinh tiếp đứa con trai. Từ đó anh Thuyết đổ bệnh, nằm liệt giường hàng tháng trời. Khi chị đưa anh đi bệnh viện thì các bác sĩ cho biết anh đã nhiễm HIV giai đoạn cuối. Như tiếng sét ngang tai chị ngất lên ngất xuống.

Chị yêu cầu cả nhà làm xét nghiệm. Không có nỗi đau nào hơn là chị và đứa con trai nhỏ cũng dương tính với HIV. Cú sốc đó đã làm cho chị đột quỵ nằm liệt giường. Đã mấy lần chị nghĩ đến cái chết để giải thoát nhưng nhìn chồng con như vậy chị không nỡ. Nghị lực và thiên chức của người mẹ đã giúp chị chống chọi với bệnh tật và sự xa lánh kì thị của người đời.

Một mình chị chạy ngược, chạy xuôi làm lụng để kiếm tiền thuốc thang cơm cháo cho chồng cho con, nhưng rồi những gánh củi bó rau của chị cũng chẳng ai mua vì họ sợ… Có nhiều lúc nhà không có lấy hột gạo, chồng nằm liệt giường, hai đứa con đói cơm nheo nhóc, chị lại khóc không thành tiếng. Không thể chết đói ! Chị đi các xã khác làm thuê, ai thuê gì làm nấy, mua rau quả chợ này đi bán chợ xa khác. Không thể kể hết nỗi vất vả, tủi nhục khi chị phải vừa nuôi chồng con bệnh tật vừa phải chịu đựng “án tử hình” và nỗi đau bị cô lập, bị kì thị xa lánh của mọi người. Chị cứ thui thủi đi về không một lời chào hỏi của xóm giềng.

Hơn 8 tháng nằm dính chiếu anh Thuyết từ giã cõi đời. Chưa hết tang chồng thì đứa con trai của chị cũng theo cha về đất. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, khổ cực và bệnh tật đè nặng lên vai, chị cũng đổ bệnh và “đi” theo chồng con trong một đêm mưa gió. Ba cái chết vì “ết” trong một gia đình đã náo động cả vùng quê Bảo Thành vốn rất yên bình.

Ông Trần, một thầy giáo về hưu ở gần nhà em Oanh nói: “Dân chúng ở đây hiểu biết về HIV/ADS còn hạn chế, và cả gia đình anh Thuyết cũng vậy nên cái chết đến nhanh. Nếu như không có sự kì thị xa lánh của mọi người và bản thân từng người trong gia đình biết cách bảo vệ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì thảm hoạ đâu dồn dập như thế. Đau đớn hơn cả bệnh tật là sự kì thị xa lánh của mọi người. Đó là điều khủng khiếp nhất. Khi anh Thuyết, chị Hợi và con trai chết chẳng có ai dám vô thắp hương vì họ sợ nhiễm HIV….!?”

Tuổi thơ cạn nước mắt

Chúng tôi vào nhà em Oanh, một không khí hoang tàn lạnh lẽo bao trùm. Ngôi nhà bị sập hẳn gian phía nam, gạch ngói vỡ tung, hai gian còn lại là hai bàn thờ, phía trái thờ anh Thuyên và đứa con trai, phía phải thờ chị Hợi, bàn thờ bị mọt ăn rỗng, mạng nhện giăng đầy, chân hương bị chuột húc đổ tung tóe….

Cám cảnh, chúng tôi dựng lại bát hương và thắp cho những người xấu số nén hương. Bé Oanh bơ phờ, ngơ ngác đứng một chỗ từ nãy đến giờ bỗng nhiên ôm lấy chân bàn thờ mẹ òa khóc. Chúng tôi không cầm được nước mắt. Hỏi chuyện, Oanh cứ nấc lên một cách tức tưởi, lời em thổn thức, đứt quãng. Qua làng xóm và các thầy cô giáo chúng tôi cũng chắp nối được sự việc.

Năm học lớp hai bố mất, Oanh đến trường không có bạn bè nào chơi cùng, đôi khi còn bị chúng bạn chửi là “đồ si đa” và bị ném mọi thứ vào người. Mỗi giờ ra chơi nhìn bạn bè nô đùa Oanh chỉ biết thui thủi bên gốc cây, nước mắt đầm đìa. Nhiều lần em không dám đi học mà cũng chẳng đi ra đường. Cũng may là cô giáo Thùy chủ nhiệm đã lên tiếng bênh vực, cô đến nhà động viên để Oanh tiếp tục đến trường.

Buổi đi học buổi ở nhà Oanh ra đồng bắt cua, bắt ốc, vào rừng kiếm củi để đỡ đần cho mẹ. Khi mẹ nằm liệt giường 4 tháng, một mình Oanh chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân cho mẹ. Oanh trở thành lao động chính, từ đồng áng cho đến mọi việc. Làng xóm thương tình, đôi lúc người cho bơ gạo, củ khoai nhưng họ cũng chỉ đến bỏ trước cổng rồi về.

Khi người mẹ yêu thương cũng bỏ em mà “đi”, sự kỳ thị và xa lánh của làng xóm càng khủng khiếp hơn. Không chịu đựng được nên em đã mấy lần bỏ đi, nhưng chỉ đến bến tàu rồi lại trở về vì trong túi không có tiền, và cũng chẳng biết đi đâu….

Thấy đứa cháu tội nghiệp, anh em họ tộc đã đưa Oanh đi xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh và trung ương. Thật may mắn, em không bị nhiễm bệnh như bố mẹ, nhưng đến trường vẫn không có bạn nào chơi với em. Thầy giáo Trần Duy Tồn (chủ nhiệm lớp em Oanh) cho biết: “Chúng tôi cũng đã tập hợp học sinh toàn trường kêu gọi ủng hộ và giang rộng vòng tay với em Oanh để em đến trường vui vẻ nhưng vẫn còn sự kỳ thị. Bởi vậy nên em Oanh lúc nào cũng buồn rầu, tự ti và sống khép mình. Thương em lắm nhưng chúng tôi cũng chẳng làm gì khác được. Em Oanh là một học sinh có học lực khá, nếu có điều kiện chắc chắn em sẽ là một học sinh giỏi toàn diện ”.

Hiện nay em Oanh được anh em họ hàng chia nhau đón về nuôi, nhưng cuộc sống đang hết sức bấp bênh. Mong sao Trường THCS Bảo Thành, chính quyền địa phương và cộng đồng mở rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ em cả về tinh thần cũng như vật chất để em vượt qua được giông bão trong cuộc đời .

Xin được nhắc lại: Em là Trần Thị Oanh, học sinh lớp 8D trường THCS Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Theo Tiến Dũng / Báo Nghệ an

[Thảo luận trong diễn đàn]

Tin bài liên quan