Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Thế Viên ở xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi…
Vẫn miệt mài đi… và viết
Năm 1951, anh thanh niên Nguyễn Thế Viên tình nguyện tham gia lực lượng TNXP, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và được giao nhiệm vụ rà phá bom mìn của địch.
Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đơn vị cử ông tham gia khoá học nghiệp vụ báo chí ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được điều về Báo Quân đội nhân dân. Ông bồi hồi kể lại thời vừa cầm bút và cầm súng ấy: “Có lần, để chụp được chiếc máy bay địch đang bốc cháy ở sân bay Tân Sân Nhất, tôi bị đạn cối bắn hỏng mắt trái, quai hàm bị gãy phải chuyển về tuyến sau cấp cứu”. Vất vả rồi thương tích đầy mình nhưng ông vẫn say nghề. Và chính nghề làm báo đem đến cơ may để ông nhiều lần được gặp Bác Hồ: “Tôi đã bốn lần được gặp Bác, được nghe Bác chỉ dạy cách viết báo. Đó là niềm tự hào nhất trong cuộc đời làm nghề của tôi”.
Vậy nên khi đã nghỉ hưu, ông Viên cũng không rời cây bút. Làm báo không dễ dàng, nhất là đối với một thương binh đã có tuổi như ông và phương tiện di chuyển chủ yếu bằng xe đạp. Hằng ngày, không quản trời mưa hay nắng, ông rong ruổi khắp các làng trên, xóm dưới thu thập tư liệu để có ba đến bốn bài gửi các báo mỗi tháng. Đến nay, ông đã có hàng trăm tác phẩm được đăng tải trên nhiều tờ báo địa phương và Trung ương. Trong đó nhiều tác phẩm đoạt giải như: giải Ba tác phẩm “Gió Đại Phong” do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng năm 1961; Giải Nhất tác phẩm “Tây Nguyên trong lòng Tổ quốc” do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng năm 1968. Và hôm nay ông vẫn miệt mài đi để viết những tác phẩm mang đầy ý nghĩa.
Khát vọng cống hiến
Hôm tôi về xóm núi Ngọc Thành tìm ông, đúng lúc ông đi cơ sở về. Qua câu chuyện, tôi biết khi ông trở về quê hương thì cha mẹ đã mất, người em thứ hai hi sinh ở chiến trường, vợ chồng người em thứ ba bị tàn tật rất vất vả với đàn con thơ. Thấy ông sống một mình, tôi đánh bạo hỏi chuyện vợ con, câu hỏi của tôi vô tình chạm vào “góc khuất”, khiến ông buồn hẳn: “Vợ tôi làm bác sĩ, chúng tôi có một con gái. Sau chiến tranh, tôi đưa bà ấy về đây định lập nghiệp trên mảnh đất này. Nhưng mảnh đất chưa mưa đã rét, mới nắng đã lên đến 38 – 40oC, gió phơn thổi lộng bỏng rát… Bà ấy đưa con gái về Hải Phòng sống, tôi không thể đi theo vì phải giúp vợ chồng chú em cưu mang các cháu”.
Để có tiền giúp đỡ gia đình người em, ông nhận một mẫu đất hoang, một ha rừng, một con suối nước sâu chảy xiết. Trải qua năm tháng biết bao công sức, tâm huyết bỏ ra. Từ một khu đồi đất hoang cằn cỗi giờ được phủ kín một màu xanh của cây tràm và các loại cây ăn quả. Con suối được ông ngăn dòng thành ao thả cá. Nhờ thường xuyên tham gia các lớp khuyến nông, tranh thủ tìm hiểu các tài liệu, các loại sách hướng dẫn về kĩ thuật, ông nắm khá vững kiến thức chăn nuôi, trồng trọt.
Khi đã có kinh nghiệm, ông nhận trồng cây giống cho hợp tác xã và trồng thí điểm các loại giống ngô, lúa… cho trạm giống huyện. Lãi ròng vườn cây, ao cá, trang trại lợn giống, gà… khoảng 50 triệu đồng/năm. Ông khoe: “Năm nào tôi cũng được tặng bằng khen, giấy khen làm kinh tế giỏi”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, 15 năm qua ông được bầu làm Chủ nhiệm CLB thơ kiêm phụ trách Chi hội thơ Đường khu vực phía Bắc huyện Yên Thành. Bằng sự nỗ lực của bản thân và sự tham gia nhiệt tình của các hội viên, Chi hội thơ Đường ra được 15 tập thơ, các thành viên sinh hoạt đều đặn. Ở lĩnh vực nào ông cũng gặt hái thành công. Tôi chợt ngộ ra, dường như với người thương binh đã sống vắt qua hai thế kỉ ấy, sống là đồng nghĩa với cống hiến.
Theo Lê Thành/ Báo Người Cao Tuổi