Xuất phát từ ý nghĩ, mình đã may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, bổn phận của những người lính khi hòa bình là chăm sóc những đấng sinh thành của những liệt sĩ dân tộc, nên vợ chồng người thương binh Võ Văn Thiêm trú tại xóm 9, xã Lý Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã tình nguyện mang lại hơi ấm cho Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Em suốt 13 năm cuối đời.
Ông Võ Văn Thiêm bộc bạch, năm 1995, khi nhà nước có chủ trương phát động toàn dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng các hành động cụ thể, trong đó có phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ VNAH. Hưởng ứng lời kêu gọi này, ông đã vận động vợ cũng là một cựu thanh niên xung phong nhận mẹ Lê Thị Em (có chồng và 2 con trai duy nhất là liệt sĩ) tại xã Bảo Thành (huyện Yên Thành) để phụng dưỡng, chăm sóc.
Ông kể “Trở về khi chiến tranh chưa kết thúc do sức khỏe yếu nên tôi đem những vốn liếng, sức lực còn lại phục vụ công tác tại địa phương, xây dựng kinh tế gia đình. Khi có phong trào ” Đền ơn đáp nghĩa” do nhà nước phát động. Tôi và vợ đã bàn bạc với nhau nhận phụng dưỡng mẹ VNAH. Bởi xuất phát từ ý nghĩ, mình đã may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, bổn phận của những người lính khi hòa bình là chăm sóc những đấng sinh thành của những liệt sĩ dân tộc”. Chính từ ý nghĩ đó năm 1996, vợ chồng ông đã nhận mẹ Lê Thị Em để phụng dưỡng. Tuy khó khăn, vất vả nhưng hàng ngày dù nắng hay mưa, ông và vợ vẫn đảm bảo việc chăm sóc người mẹ thứ 2 của mình. Cái mà ông suy nghĩ nhất, đó là mang lại niềm vui để mẹ vơi bớt nỗi niềm nhớ con, nỗi cô đơn khi nghĩ về những người thân yêu của mẹ.
Theo chị Vũ Thị Châu – hàng xóm cạnh nhà cho biết: ” Vợ chồng hai bác ấy có công phụng dưỡng Mẹ VNAH, cả xóm chúng tôi ai cũng ngưỡng mộ. Gia đình 2 bác không những làm ăn kinh tế khá mà còn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ trong thời bình”. Bên di ảnh mẹ Em, bà Trần Thị Cương vợ ông Thiêm tâm sự: “Mẹ có chồng và 2 người con trai hy sinh tại chiến trường miền Nam, đó lại là 2 người con trai duy nhất của mẹ. Chúng tôi cũng tham gia phục vụ cách mạng, nhưng may mắn được sống cho đến ngày hôm nay, có gia đình hạnh phúc, việc nhận chăm sóc mẹ cũng chỉ phần nào an ủi và cho mẹ một chút hơi ấm của bậc con cháu mà thôi, chứ trong lòng mẹ vẫn còn đó những nỗi đau”.
Và rồi khi mẹ Lê Thị Em ra đi ở tuổi 83, với phận làm con hai vợ chồng ông Thiêm đứng ra cáng đáng mọi công việc hậu sự cho mẹ. Mắt ngấn nước bà Cương chia sẻ, mẹ giờ đã ra đi nhưng trong tâm khảm hai vợ chồng chúng tôi mẹ vẫn còn sống mãi. 13 năm không phải là dài nhưng chừng đó cũng đủ để vợ chồng ông báo hiếu và làm tròn bổn phận của người con đối với mẹ. Với việc làm ý nghĩa của mình, tháng 6 vừa qua gia đình bà Cương đã được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
Theo Bắc Vũ/ Báo Đại Đoàn Kết