Sáng ngày (21/3) chính thức được đón nhận bằng công nhận làng nghề, cán bộ nhân dân làng Đông Phú đến dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ xã nhà để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước anh linh những người con quê hương đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc và báo công làng Đông Phú đã đổi thay nhiều, nhà nhà mái ngói đỏ au, tường xây kiên cố, điện đường, trường trạm khang trang, thoáng rộng, con cháu học hành đỗ đạt vươn xa… Nay có thêm nghề mới, cuộc sống càng thêm no đủ.
Đông Phú thuộc vùng sâu trũng của huyện Yên Thành, bao đời chuyên độc canh về nông nghiệp, vất vả với cây lúa, củ khoai, những mong đủ ăn là hạnh phúc. Giờ đây nghề mây tre đan (MTĐ) đem lại “đồng tiền liền tay” mà cứ ngỡ như mơ.
Chị Phan Thị Oanh không dấu nổi niềm vui, chia sẻ: “Chúng tôi phấn khởi vô cùng. Những năm 2001- 2002, khi nghề MTĐ mới được du nhập vào xã nhà, tâm lý bà con còn ngần ngại sợ khó làm nên xã phải vận động. Nay thì bà con say mê công việc, nhà nào nhà nấy đan cho tới 11- 12 giờ khuya mới nghỉ tay. Làng chúng tôi có 150 hộ thì hơn 100 hộ làm MTĐ, hộ ít cũng vài người làm, nhiều thì 4 – 5 người. Điều đáng mừng là vừa có thu nhập lại giảm được các tệ nạn. Trước đây,tối tối đám trai làng luôn tụ tập ở ngoài đường, đánh bài, rồi không ít lần gây gổ đánh nhau… Bây giờ tối đến ra ngõ khó mà gặp được bóng thanh niên”.
Cách đây một tháng, nghe tin Đông Phú được UBND tỉnh công nhận làng nghề, cả làng náo nức. Con gái làng bây giờ da dẻ trắng hồng vì chỉ ngồi trong nhà đan lát, đỡ phải chân lấm tay bùn. Mỗi người làm một ngày cũng được 40 – 50 ngàn đồng. Bà con nơi đây đan hàng đẹp lắm, hình thức vừa chuẩn xác, vừa tinh tế khiến Công ty TNHH Đức Phong rất hài lòng, thường xuyên đặt hàng của Đông Phú từ năm 2002 đến nay.
Nghề mây tre đan tạo việc làm cho hàng trăm lao động Đông Phú
Những chị Nga, chị Lĩnh, hay anh Hoàng Thành… đều đã từng đạt giải “Bàn tay vàng”, giải Nhất, Nhì của tỉnh, huyện trong các hội thi tay nghề. Năm 2008 là năm làng Đông Phú gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất kinh doanh hàng MTĐ. Có một đội ngũ lao động lành nghề, nhiệt tình say mê công việc, tay nghề điêu luyện, bất cứ mẫu mã nào thay đổi đều có khả năng làm tốt, những bàn tay tài hoa kết hợp với trí thông minh sáng tạo đã làm cho những cây mây, cây lùng trở thành những sản phẩm xuất khẩu có giá trị.
Từ làm nghề, nhiều gia đình, cá nhân có thu nhập cao, anh Thành, anh Bích, chị Oanh, chị Quý, chị Dung… đều có thu nhập từ 1 triệu đến 4 triệu đồng/tháng/hộ. Tất cả họ là những con chim đầu đàn của làng nghề. Và cũng chính họ là những thầy, cô giáo đi truyền thụ, giảng dạy cho biết bao người nông dân huyện lúa biết làm MTĐ. Vừa sản xuất lúa, vừa chăn nuôi, vừa làm MTĐ xuất khẩu, ở mặt nào bà con Đông Phú cũng thành công. Riêng doanh thu từ nghề MTĐ năm 2008 đạt 1,2 tỷ đồng.
Theo Quỳnh Lan/ Báo Nghệ an