HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Khai thác đá đen chui

Cho đến nay, trên địa bàn các huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên xuất hiện thêm ít nhất 3 điểm khai thác đá đen để nghiền làm phụ gia phân bón một cách trái phép. Tuy nhiên, không hiểu vì sao chính quyền huyện và xã vẫn làm ngơ, không xử lý khiến môi trường bị ô nhiễm và nhiều hiểm họa khác đang rình rập, gây bức xúc trong dư luận…

Chúng tôi có mặt tại xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, ông Bùi Văn Biên, Chủ tịch UBND xã xác nhận: Tại nhà ông Nguyễn Văn Diện, xóm 6, hiện đang mượn cớ cải tạo vườn để cho ông Nguyễn Đình Tuân, trú tại huyện Yên Thành lên khai thác đá đen nghiền làm phụ gia phân bón. Bình quân mỗi ngày vận chuyển từ 1 đến 2 xe (bình quân 15 tấn/xe) về một cơ sở SX phân bón tại huyện Yên Thành để sản xuất phân bón NPK và phân vi sinh. Trước tình hình đó, cách đây 1 tháng xã đã xuống lập biên bản đình chỉ nhưng gia đình xin múc nốt số đất còn lại. Hiện cơ sở này đã ngừng sản xuất (!?).

Theo chân một chị nhân viên văn phòng UBND xã, chúng tôi tìm đến xóm 6, xã Thanh Khê để xem thực hư thì sự thật hoàn toàn trái ngược với những gì ông Biên vừa nói. Tại hiện trường, 6 người đàn ông vừa nghỉ trưa xong đang chuẩn bị ra làm buổi chiều. Cạnh một đống đất đá màu đen to tướng với hàng trăm m3 là một máy nghiền đá sử dụng điện máy nổ. Cạnh đó là một hố to tướng do bị máy múc khoét sâu xuống khoảng 2,5 mét để moi đá đen từ dưới lòng đất lên.

Một điểm khai thác đá đen tại huyện Thanh Chương

Ông Phan Sỹ Việt, một “phu” đứng máy nghiền đất tại đây cho biết, tốp này mới làm trở lại được khoảng 10 ngày, trước đó phải về gặt mùa. Bình quân 6 người thay nhau làm có thể xay được khoảng 30 tấn/ngày, hàng ngày ông Tuân tự lái xe 37S 0586 lên bốc và vận chuyển xe theo hướng ngược lên Đô Lương rồi quay về huyện Yên Thành. Ông Việt cho biết mặc dù ông Tuân trả công rất bèo bọt (40.000 đồng/tấn bao gồm cả công bốc lên xe) và phải làm việc vất vả và bụi bặm nhưng bù lại họ có thu nhập 200 nghìn đồng/ngày, cao hơn so với đi làm phụ hồ tại nông thôn…

Lần theo đơn tố giác, chúng tôi tìm đến điểm khai thác thứ 2 tại xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương. Khi PV vào khu vườn nhà ông Phan Văn Đức, tại xóm 5 thì chứng kiến 3 người đàn ông đang hì hục xúc đá màu đen chất thành “núi” trông giống như than tổ ong đổ vào máy nghiền gắn mô tơ điện. Máy chạy ầm ầm, hàng đống bột màu đen đã được đóng bao chờ xe của ông Trương Văn Lành đến mang về Vinh nhập cho một đơn vị SX phân bón NPK có chứng chỉ chất lượng ISO tại TP Vinh.

Bà Trịnh Thị Thuận (vợ ông Đức) cho biết: Đây là đất vườn của tôi, có sổ đỏ nên tôi mua máy xay về tự làm để nhập cho ông Lành đã được hơn 1 tháng. Mỗi ngày 3 đến 5 người làm cũng được khoảng 15 tấn/ngày. Tôi trả cho người làm công 46.000 đồng/tấn. Kiếm ít tiền lãi nuôi con ăn học…

Chúng tôi qua nhà ông Nguyễn Văn Hùng cạnh nhà bà Thuận thì gặp ông Đức đang chơi ở đó. Quan sát khoảnh đất vườn nhà ông Hùng rộng khoảng 3.000 m2 có tới 4 quả “núi” đá đen đã được tập kết vào đây chờ được nghiền thành phụ gia phân bón. Chiếc máy nghiền và mô tơ điện đang được đắp bạt màu xanh, vỏ bao xác rắn phơi la liệt trên nền đất. Chúng tôi ghé vào nhà ông Hùng, người cho ông Lành thuê mặt bằng. Ông Hùng thừa nhận: Loại đá đen này nhìn thế nhưng rất cứng chỉ có máy xúc bánh xích mới múc được. Máy xúc bánh lốp bị nó nhấc nổi cả lốp sau lên đấy.

Ông Hùng cho biết ông Lành thuê mặt bằng của ông để tập kết và xay bột đá này làm phụ gia phân bón NPK từ nhiều năm nay nhưng chẳng thấy ai nhắc nhở gì. Không biết dạo này chưa đến chiến dịch SX phân bón NPK hay sao nên mới tạm nghỉ như vậy. Trước đây máy chạy ầm ầm cả ngày, bình quân mỗi ngày cũng được khoảng 30-40 tấn đều chở về Vinh cả.

Làm việc với UBND xã Thanh Lâm, ông Đinh Văn Bình, Chủ tịch xã khẳng định: Địa bàn xã Thanh Lâm được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác 3 mỏ sắt và mangan từ năm 2009 nhưng đến nay đều án binh bất động có lẽ do trữ lượng quặng quá ít và hàm lượng các loại kim loại nói trên quá thấp. Tuyệt đối không có mỏ nào được cấp để khai thác làm phụ gia phân bón cả. Bởi vậy, việc ông Trương Văn Lành hợp đồng tay đôi với các hộ dân để khai thác đá đen để xay làm phụ gia phân bón là trái pháp luật, UBND xã không hề thu bất kỳ một khoản phí tài nguyên nào.

Trở về TP Vinh, chiều 28/6/2012, chúng tôi lại ngược lên xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên. Theo hướng dẫn của người dân chúng tôi vào khu vực phía sau bãi tha ma tại núi Chùa Khê (xóm 8, Hưng Lĩnh). Tại đây cạnh mái núi bị khoét cao hàng chục mét cũng có một đống đá đen chất cao như núi. Một “phu” xay đá đang chờ 4 “phu” khác đến làm buổi chiều. Khi PV đang chụp ảnh, một người đàn ông đi Honda hớt hải chạy vào. Ông ta gọi anh thanh niên sang bên kia lán rỉ tai bảo tạm dừng làm buổi chiều hôm đó rồi vội vã bỏ đi. Hỏi ra mới biết đó chính là ông Trương Văn Lành, người đang đặt máy nghiền đá đen tại xã Thanh Lâm.

Ghé vào UBND xã Hưng Lĩnh, ông Trần Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Mỏ đất tại núi Chùa Khê được UBND tỉnh cấp phép để lấy đất làm đường du lịch ven sông Lam từ năm 2005 hiện đã hết hạn từ lâu. Khi lấy đất làm đường có lộ ra một số vỉa đá màu đen được một số người tổ chức khai thác trái phép để xay làm phụ gia phân bón. Hiện đã hết nên ông Trương Văn Lành đã vận chuyển đất đen từ Thanh Lâm về đây để pha với đất tại đây xay làm phụ gia phân bón NPK sau đó đưa về Vinh nhập cho một đơn vị sản xuất phân bón lớn của tỉnh…

“Việc khai thác đá đen làm phụ gia phân bón khi chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng và cấp phép là sai nên chúng tôi đã vào đình chỉ từ năm 2010 nhưng họ xin kéo dài thêm một thời gian để làm cho hết số đá đen còn lại tại hiện trường…”, vẫn theo ông Trần Văn Thắng.

Trên đường về chúng tôi gặp chị Ngô Thị Thuỷ, trú tại xóm 2, chị Thuỷ cho biết tình trạng ô nhiễm và bụi, đất đen tràn xuống khu vực ruộng cạnh đó đã làm 6 hộ dân lâm vào cảnh khốn khổ vì năm nào lúa cũng bị chết hoặc không trổ được. Chúng tôi kêu mãi mà chẳng ai chịu giải quyết cả nên đành bỏ hoang mấy năm nay (!?).

Theo báo Nông Nghiệp

Tin bài liên quan