HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

‘Hai lúa’ xứ Nghệ

Đã năm lần bảy lượt thất bại, trắng tay, cầm cố cửa nhà, có lúc như thân tàn ma dại. Ấy thế mà anh “Hai lúa” Phan Văn Hòa (xã Vĩnh Thành – Yên Thành – Nghệ An) vẫn không bỏ cuộc.

Không có nghề nào anh yêu thích như nghề nông, dẫu có một nắng hai sương, quanh năm lam lũ. Anh dí dỏm nói với tôi bằng ca từ của một bài hát về Yên Thành quê anh: Tôi yêu nghề nông, “thủy chung theo năm tháng như cây lúa yêu đất này”. Đúng như lời anh nói, sau gần hai mươi năm cần mẫn, chắt chiu, “Hai lúa” đã làm nên một điều kỳ diệu – đưa giống lúa thuần AC5 về Nghệ An để làm nên thương hiệu nổi tiếng – gạo xứ Nghệ.

Đánh lau sậy làm nên mùa vàng

Sau mười năm quân ngũ, năm 1984, Phan Văn Hòa lại trở về với ruộng đồng quê hương. Ngày ấy, còn làm ăn tập thể, nghe kẻng ra đồng, ruộng hoang đất nẻ… nhìn mà tiếc. Cựu quân nhân ấy xung phong vào Ban quản lý HTX chỉ với một mục đích, làm cho “đất sinh sôi”. Nhưng rồi lối làm ăn thụ động, manh mún tự bao đời không dễ đổi thay. Nhiều đêm trăn trở, anh Hòa chỉ có một ước mơ, có được ít đất để chủ động canh tác, để làm mô hình cho bà con noi theo…

Cầu được ước thấy, chủ trương khoán hộ ra đời, anh Hòa như bắt được vàng. Anh xung phong nhận 5ha đất hoang hóa ở cánh đồng Hói Sác. Nói là đồng, nhưng vùng đất này xưa nay chưa ai làm được gì, ngoài việc lau sậy um tùm. Anh cười: “Mình phải làm từ cánh đồng hoang đó thì bà con mới tin”.

Nhận ruộng rồi cũng lo, làm sao để cải tạo đây. Vụ đầu tiên, anh cho thả cá. Năm đó thắng lợi. Háo hức, vụ thứ hai anh thả nốt 8 tạ cá giống cho bõ công. Không ngờ, bờ ngăn không đảm bảo, nước mặn tràn vào, cá chết trắng đồng. Thế là trắng tay. “Đứng nhìn cá chết, tôi khóc như trẻ con vậy, cay đắng lắm” – anh Hòa nhớ lại.

Xong vụ cá đắng cay, anh thuê người đắp bờ ngăn mặn. Xong được bờ thì gia sản cũng coi như sạch sẽ. Thế là cắm nhà để vay tiền ngân hàng, một quyết định mà anh phải bạc đi mấy phần tóc. Được cái, vợ anh, chị Phan Thị Loan lại luôn ủng hộ chồng.

Chị cười rõ tươi: “Ông nớ bảo chi tui nghe rứa, bởi tôi tin vào ông nớ. Nếu ông nớ không có tính kiên trì thì đừng hòng mà lấy được tui…”. Đoạn chị rơm rớm nước mắt kể về những ngày tháng cơ hàn vì nợ nần: “Người đến đòi nợ, tui phải nhảy vô bồ lúa để trốn. Con bé Thủy không hiểu, cứ chỉ cho họ, mẹ cháu đang ở trong bồ”.

Anh Hòa tiếp tục câu chuyện cải tạo đồng ruộng to công đến mức, chính anh cũng khó có thể tin nổi là mình to gan đến thế. Vay được tiền, anh đi thuê 10 con trâu mộng với gần 30 thợ cày, suốt ngày tắc rì ngoài ruộng. Thế mà vẫn không thể kịp thời vụ, mạ gieo rồi đành phải để chết khô. Năm đó, lại một mùa “lép” cả.

Một ý nghĩ táo bạo chợt lóe lên trong một đêm mưa gió, “làm ăn lớn tính chuyện đi xa”, phải cơ giới hóa mới mong cải tạo đồng ruộng. Sáng ra, bàn với vợ để khăn gói ra Hà Nội tìm hiểu về máy móc, đó là vào năm 1993. Khổ thế, ngày đó Nhà máy cơ khí Nông nghiệp I cũng chưa có máy cày để bán. May sao, ông Dũng trưởng phòng giới thiệu anh sang Trung Quốc và hứa sẽ cho đi cùng. Anh Hòa lại tất tả về quê xoay xở tiền nong. Đôn đáo ngược xuôi, anh xoay được 9 triệu đồng để “xuất ngoại”.

Anh tâm sự: “Sang Nhà máy Quảng Tây, mình hoa mắt, hoa mũi, không biết loại máy nào thì phù hợp với ruộng nhà mình. “Trong chốc lát, mình tính toán, con trâu nặng lắm cũng chỉ gần 3 tạ mà lội được ruộng sâu để cày. Vậy, loại máy 1,7 tạ chắc chắn là phù hợp. Thế là mua…” Cả cánh đồng Hói Sác ngày ngày vang rền tiếng máy, lau sậy rạp mình chịu thua. Hồi đó không riêng gì ở Yên Thành mà dân các huyện cũng đổ về để xem. “Từ vụ ấy, mình không còn muộn thời vụ nữa, lúa được mùa càng thêm phấn chấn. Mấy ông chủ nợ cũng không còn lo bị quỵt nợ” – anh Hòa sung sướng.

Vợ "Hai lúa" - chị Phan Thị Loan đang giới thiệu sản phẩm gạo xứ Nghệ
Vợ "Hai lúa" – chị Phan Thị Loan đang giới thiệu sản phẩm gạo xứ Nghệ

AC5 trở thành thương hiệu

Đồng Hói Sác đã thành mùa vàng, năng suất lúa liên tục tăng, nhưng anh Hòa vẫn chưa hài lòng. Anh vẫn cứ trăn trở về giống lúa, làm lúa lai vừa đắt, vừa không chủ động. Anh tâm tư, “đất nước của ba miền cày ruộng”, tại sao không chủ động được giống lúa thuần, vừa rẻ, vừa chất lượng. Thế là anh lên huyện xin thành lập HTX giống. Hồ sơ, giấy tờ đã nộp đầy đủ, nhưng rồi 1 tháng, 2 tháng… một năm cũng không ai hồi âm. Tình cờ trong một cuộc trà đầu năm 2001, anh gặp được ông Ngọc ở Phòng Công thương huyện Yên Thành. Ông Ngọc “sướng” quá ý tưởng của anh nên đã tư vấn và giúp làm thủ tục thành lập công ty mang tên Công ty TNHH Vĩnh Hòa.

Có công ty, anh Hòa lại “tái xuất” ra Hà Nội để tìm giống. May cho anh, GS Vũ Tuyên Hoàng đã cổ vũ hết mực. Anh kể: “Có lẽ tôi là người được giáo sư tiếp chuyện lâu nhất, hơn một buổi, hai thầy trò quên cả ăn cơm trưa”. Rồi cũng chính giáo sư đã đưa anh đến Viện Cây lương thực xin cho 7 loại giống lúa, mỗi loại 5 lượng. Giáo sư cũng giới thiệu anh đến Viện Cơ điện nông nghiệp để làm thủ tục ứng dụng phân vi sinh vào sản xuất.

Được giống, được phân, anh Hòa hăm hở về quê để khảo nghiệm. Không kể ngày đêm, anh chăm sóc vườn khảo nghiệm như chăm sóc con trẻ, nhưng rồi cũng chỉ được hai loại giống thành công là P1 và AC5. Vụ đông xuân 2004, anh tung ra giống lúa P1, còn con át chủ bài AC5 vẫn đang còn bí mật. Lúa lên tốt, bông nhiều trĩu hạt, mừng đến nỗi rơi cả nước mắt…

Đang hào hứng câu chuyện, bỗng giám đốc Hòa trầm giọng: “Khổ thế, trời cho thấy mà không cho ăn. Giống lúa P1 có một nhược điểm là thân mềm dễ đổ. Năm đó lại gặp lốc, lúa chuẩn bị thu hoạch thì đổ rạt xuống hết. Bao nhiêu công sức, tiền của đều đi tong. Mà bà con ta thấy thế thì đừng hòng làm lại nữa. Tôi phải mang “bảo bối” cuối cùng là AC5 để lấy lại uy tín”.

Lần này, giám đốc Hòa không làm rùm beng, anh lặng lẽ nhờ anh em đồng đội dành một ít ruộng để cấy giống mới. Ai ngờ thành công hơn cả mong đợi. Anh quyết định tung “vàng” ra xã Hoa Thành – thành lũy lúa giống của tỉnh Nghệ An. Được ông Hội – Bí thư Đảng ủy triệt để ủng hộ nên bà con nghe theo rất đông. Vụ mùa 2005, cả huyện Yên Thành náo nức chuyện AC5. Chưa bằng lòng, giám đốc Hòa tiến về huyện Đô Lương để “rao giảng” AC5. Bà con hồ hởi hưởng ứng. Anh rạng rỡ: “Khi nghe mọi người nói lời cảm ơn, mình thấy mát gan mát dạ vô cùng, gần 20 năm rồi mới có được ngày hôm nay. Từ chỗ nhờ từng anh em cấy giùm, nay toàn tỉnh đã có trên 3.000ha AC5, với năng suất bình quân 3,3 tạ/sào”.

Nhớ lời dạy của cố GS Vũ Tuyên Hoàng, rằng: Đất nước mình có 4 mùa rõ rệt, khí hậu khắc nghiệt, cây trái phải tự thích nghi. Vì thế mà gạo mình có chất lượng tốt, dinh dưỡng cao…, anh Hòa đã không nguôi ý tưởng xây dựng thương hiệu gạo Xứ Nghệ. Cách làm của giám đốc Hòa là thực hiện quy trình khép kín, công ty cung cấp giống, phân, quy trình kỹ thuật rồi thu mua sản phẩm cho nông dân.

Để xây dựng thương hiệu gạo, giám đốc Hòa lại phải ra Hà Nội để kiểm định chất lượng gạo, kiểm định về dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng chì. Anh kể, nhiều cán bộ kiểm định tỏ ra ngạc nhiên, vì có một nông dân lại đi kiểm định chất lượng gạo. Và họ còn ngạc nhiên hơn là dư lượng thuốc trừ sâu và chì thấp hơn nhiều lần so với mức độ cho phép. Có kết quả gạo đạt chất lượng cao, năm 2006, giám đốc Hòa cho tung ra thị trường bán thăm dò. Anh không thể ngờ, người tiêu dùng lại háo hức gạo anh đến thế. Từ đó, anh đã xây dựng thương hiệu gạo xứ Nghệ.

Tôi hồ hởi nhận lời anh chị ở lại ăn cơm nấu bằng gạo xứ Nghệ. Trong mùi hương cơm mới, chúng tôi cùng điệp khúc: “Đường lớn đã mở, đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…”.

Nông dân mua bản quyền AC5

Ngày 19.9, tại Hội chợ Techmart – ASEAN + 3, ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hòa đã ký hợp đồng mua bản quyền giống lúa AC5 với Viện Cây lương thực. Ông cho biết: Trị giá bản quyền lên tới 3 tỉ đồng, ông chỉ có 500 triệu, nhưng ai cũng muốn bán cho ông – người đã làm thành công giống lúa này.

Ông tâm sự: “Mình mua bản quyền AC5 là có mấy lý do sau: Một là, mình đã bỏ công, bỏ của làm thành công giống lúa này, nó là con mình, mình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, nâng niu. Hai là, doanh nghiệp mình đang còn nhỏ, chưa đủ sức cạnh tranh nên phải mua bản quyền để tránh những điều không lành mạnh trong kinh doanh. Ba là, mình luôn cháy bỏng có một bộ giống hoàn chỉnh để phục vụ nông dân.

 

Theo Phạm Việt Thắng / Báo Lao Động
‘Hai lúa’ Phan Văn Hòa – Giám đốc Cty TNHH Vĩnh Hòa.

Tin bài liên quan