Giành chiến thắng thuyết phục và lọt vào trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia nhưng Nguyễn Văn Nam (huyện lúa Yên Thành, Nghệ An) vẫn cho rằng đó chỉ là may mắn. Với chàng trai này, thắng thua không phải là vấn đề quan trọng nhưng đã đi thi là phải cố gắng hết mình.
Sinh ra trong một gia đình có mẹ làm giáo viên cấp 2, bố là cán bộ của môt công ty thủy lợi, từ nhỏ, Nam được mẹ bao bọc “như nuôi gà con”. Nam lên lớp 5, chị Phạm Thị Thu Hằng (giáo viên Trường THCS Bạch Liêu – Yên Thành) mới nhận ra cách dạy con của mình chưa phù hợp và quyết định “thả” con ra ngoài và hướng con tham gia các hoạt động xã hội. Năng khiếu của Nam dần được bộc lộ và em trở thành hạt nhân trong các phong trào văn hóa, thể dục thể thao của trường.
Nam tự nhận mình là học không xuất sắc. “Điểm số cao nhất của em là môn thể dục quốc phòng, còn môn học tốt nhất của em là tiếng Anh, Hóa học. Các môn học khác thì cũng chỉ làng nhàng thôi”, Nam chia sẻ. Thế nhưng chính cậu học trò này, với niềm đam mê đặc biệt với cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, đã đến gặp ban giám hiệu đề nghị được tạo điều kiện tham gia sân chơi này.
“Em có niềm yêu thích đặc biệt với Đường lên đỉnh Olympia ngay từ khi chương trình này bắt đầu, lúc đó hình như em đang học cấp 1. Lúc nào em cũng mơ mình sẽ được tham gia cuộc thi này nhưng chỉ quyết tâm để hiện thực hóa ước mơ khi lên cấp 3”, Nam tâm sự. Với Nam, động lực tham gia Đường lên đỉnh Olympia chỉ để thực hiện ước mơ từ khi còn nhỏ. Và chính cậu cũng bất ngờ với những kết quả mình đạt được.
Hồ sơ đăng ký dự thi của Nam được gửi đi từ hồi tháng 9/2012. Đợi mãi không thấy ban tổ chức liên lạc, cứ nghĩ rằng mình không đủ điều kiện tham gia, Nam tập trung cho việc ôn thi đại học. Ngày 5/3, em nhận được điện thoại từ ban tổ chức. Chỉ có 7 ngày để chuẩn bị nhưng em vẫn quyết định tham gia và không đặt mục tiêu phải giành chiến thắng lên đầu tiên. Để tạo điều kiện hết mức cho Nam, ban giám hiệu Trường THPT Phan Đăng Lưu đã cử hẳn một “Hội đồng cố vấn” hộ tống Nam ra Hà Nội để bồi dưỡng thêm kiến thức trước trận đấu.
Trong suốt các cuộc thi tuần, thi tháng rồi thi quý, các “đối thủ” của Nam đều đến từ các trường THPT chuyên nổi tiếng. Thế nhưng cũng chính vì không đặt nặng vấn đề thắng thua, đi thi đấu với tâm lý thoải mái và với kiến thức khá rộng về các lĩnh vực, Nam lần lượt giành chiến thắng một cách thuyết phục để giành suất tham dự trận chung kết năm.
Được biết, Nam đã đọc rất nhiều sách báo để bổ trợ thêm kiến thức cho mình. Nói về thế mạnh ở môn tiếng Anh, Nam chia sẻ: “Em thích học tiếng Anh từ nhỏ, tự học là chính. Cũng không có bí quyết gì đặc biệt nhưng em nghiêng về tiếng Anh giao tiếp nhiều hơn và thường xem phim nước ngoài, nghe nhạc quốc tế để rèn luyện khả năng nghe và nói tiếng Anh”. Với khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, năm 2012, Nam giành giải Nhất giao lưu tiếng Anh toàn tỉnh Nghệ An và được một suất tham dự trại hè tiếng Anh tổ chức tại Thái Lan.
Môi trường giáo dục gia đình cũng đã giúp Nam rất nhiều trong việc trang bị kiến thức tổng hợp về mọi mặt đời sống xã hội. Chị Phạm Thị Thu Hằng – mẹ của Nam chia sẻ: “Trong gia đình, mọi người đều có quyền đề đạt ý kiến và tranh luận bình đẳng với nhau trước mỗi vấn đề, tất nhiên là phải phải chứng minh được ý kiến của mình là đúng. Ngoài ra, gia đình tôi thường tổ chức và duy trì trò chơi hỏi đáp từ khi các con còn nhỏ. Các thành viên trong gia đình đều có thể sưu tầm, đưa ra câu hỏi cho các thành viên khác trả lời. Nếu trả lời sai sẽ bị chê. Bởi vậy ai không muốn chê thì phải cố gắng thôi”.
Trận chung kết năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia dự kiến diễn ra vào tháng 7, trong khi đó Nam đang phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, do vậy việc ôn luyện cho cuộc thi sẽ bị hạn chế. Cậu học trò quê lúa cho biết: “Em không đạt nặng vấn đề thắng thua nhưng sẽ cố gắng hết mình để giành thành tích cao nhất. Trong trận đấu quan trọng này, kiến thức thì chia đều 25% cho cả 4 thí sinh. Ai tự tin, bình tĩnh và có bản lĩnh hơn thì người đó có nhiều cơ hội hơn”.
Theo Báo Dân Trí