HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Đào Kim Thành xuống núi

Vùng bắc Nghệ An nói đến hoa đào ai cũng biết đào phai của Kim Thành  (xã miền núi của huyện lúa Yên Thành). Đào Kim Thành thế dáng, sắc hoa đẹp một cách tự nhiên mang nét độc đáo riêng. Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, Kim Thành bát ngát sắc hoa đào – Khách các nơi đổ về mua đào đông như trẩy hội.

Về xứ hoa đào

Trên đường ngược lên Kim Thành chúng tôi gặp từng đoàn xe đạp, xe máy hối hả chở đào về xuôi. Con đường rừng lên dốc, xuống dốc quanh co khúc khuỷu nhưng chúng tôi  rất phấn chấn vì thấy mùa xuân tràn ngập trong sắc đào kiều diễm nơi vùng rừng núi này. Anh Sĩ, người dẫn đường đưa chúng tôi vào nhà cụ Trần Thế, người cao tuổi nhất làng Đồng Bản. Nhà cụ cả một vườn đào đang tưng bừng khoe sắc, có 5 khách đang ngó nghiêng chọn đào. Cụ Thế lấy chai rượu ngâm hoa đào mời chúng tôi: ” Rượu này uống hồi xuân đó các chú ạ! Tui gần tám chục xuân mà chơi loại rượu này nên da dẻ lúc mô cũng đỏ đắn. Nhưng phải biết cách ngâm không thì phản tác dụng, độc lắm! “

Khi được hỏi về nguồn gốc hoa đào của làng, cụ nhấp chén rượu hồ hởi: “Làng tui đào nhiều nhất xã, tui cũng chẳng biết có từ khi mô! Tui lớn lên trong vườn nhà đã có đào.. Cả xã này nhiều nhà, nhiều làng trồng đào nhưng trước đây không bán hoa chỉ để ăn quả thôi. Khoảng mươi năm trở lại đây dân làng mới biết bán. Mỗi khi tết đến, xuân về người các nơi đổ về mua đông lắm, có cả lái buôn đào ở Thành phố Vinh đánh cả ô tô về mua.”

Chúng tôi lấy làm lạ là tại sao khách lại đổ về đông như thế mà so với đào ở đây chắc không đủ cho họ mua. Cụ Thế vuốt chòm râu bạc trắng cười khà khà.:
” Ai lên Đồng Bản xứ hoa đào
Đào hoa em bán má hồng em trao”.
Các chú không biết à? Con gái nơi đây nổi tiếng xinh đẹp nên khách đến mua đào nhiều mà ngắm “đào” cũng lắm. Có thằng Hiếu quê Diễn Châu lên đây mua đào, thế rồi ở rể luôn trong nhà chủ đào, hà hà..”. Hèn chi mà chúng tôi thấy các chàng thanh niên cưỡi xe máy lượn lờ hết nhà này đến nhà khác là vì thế. Có lẽ tinh tuý của hoa đào giao hoà với trời đất đã sản sinh ra những người con gái đẹp như vậy.

Chúng tôi hỏi cụ Thế thu nhập từ đào như thế nào? Cụ cho biết: “Mỗi tết nhà tui cũng kiếm được năm, sáu triệu đồng. Năm nay nhuận nên đào hiếm bán đắt hơn. Mấy ngày vừa qua tui bán được năm triệu rồi. Vườn đào đợt ni cũng phải được chục triệu. Chẳng phải mất công chăm bón mà xem ra gấp mấy lần làm ruộng.”

Chúng tôi đến nhà anh Hùng, Anh Vị, Anh Khoa, những nhà trồng đào nhiều nhất xóm thấy trên gương mặt ai cũng phấn khởi. Anh Hùng tâm sự: “Đào tui gốc lớn nên giá bán đắt hơn nhà khác. Ngày hôm qua tui bán một cây lớn nhất được 2 triệu đồng”. ở Đồng Bản nhà nào cũng trồng đào, nhà ít nhất cũng 6-7 gốc.

Khách mua đào tại làng.

Có một vài lái đào nhanh nhạy hơn đã mua các gốc đào với giá rẻ từ khi đào thu hoạch quả. Anh Minh một lái đào cho chúng tôi biết.  mỗi tết anh cũng lãi 8-10 triệu đồng vì đã biết cách đến các nhà có đào ở trong xã để mua trước như mua lúa non rồi tết đến bán lại cho các lái buôn, khách mua đào khác.

Thị trường đào năm nay ở huyện lúa Yên Thành khá đắt, những cành đào có thế tự nhiên, đủ “giai tứ” có giá lên tới 300.000 – 350.000 đ, còn những cành nhỏ nhất cũng từ 50.000đ trở lên. Tết năm nay đào phai Kim Thành không những “phủ sóng” trong huyện mà còn tràn về các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, vào cả thành phố vinh.

Mơ một thương hiệu ?

Đào Kim Thành mọc trên vùng đá sỏi nhưng thế dáng đẹp một cách tự nhiên, màu hoa thắm phơn phớt hồng, cánh hoa dày. Điều đặc biệt là hoa ra rất nhiều đợt, nụ nối nụ ,hoa nối hoa kéo dài từ khoảng giữa tháng 12 cho đến hết tháng giêng, có cây còn ra hoa đến tận tháng ba.

Anh Thành một người có thâm niên trong nghề lái đào ở thành phố Vinh cho chúng tôi biết: “Nói về hoa đào, mỗi vùng miền có một nét đẹp độc đáo riêng, chẳng dám nói đào ở đâu đẹp hơn, nhưng mấy năm rồi tôi đều về Kim Thành để gom đào vì đào Kim Thành dễ bán cho mọi tầng lớp dân chúng, chẳng bao giờ sợ ế.” Quả vậy, nói đến đào Kim Thành thì cả vùng bắc Nghệ An đều biết đến như một thương hiệu.

Hiện nay, trên toàn xã Kim Thành có khoảng 70% hộ trồng đào, nhưng đều manh mún, nhỏ lẻ tự phát. Nếu như Kim Thành biết quy hoạch thành mô hình và nhân rộng thành cây hàng hoá thì có thể đào Kim Thành sẽ trở thành thương hiệu như đào Nhật Tân (Hà Nội), đào Tam điệp (Ninh Bình).

Theo Báo nghệ an

[Thảo luận trong diễn đàn]

Tin bài liên quan