Thân gửi bạn đọc nguoiyenthanh.com chuyên mục bạn đọc viết hôm nay ban biên tập gửi tới các bạn một số tác phẩm thơ, văn của thầy giáo Mai Đình Quang, giáo viên môn văn trường THPT Bắc Yên Thành.
Tâm sự với Thầy
Kính tặng Thầy giáo Phan Xuân Châu
Lời dẫn: Thầy Phan Xuân Châu là người đã chủ nhiệm và giảng dạy chúng tôi năm học lớp 12. Thầy không chỉ là giáo viên “gạo cội” trong bộ môn Văn mà còn làm thơ rất hay. Ngày ấy chúng tôi thường được thưởng thức những bài thơ của thầy. Ngày Hội lớp đầu năm 2010, Tập thể lớp đã xúc tiến xuất bản ấn phẩm thơ của thầy. Tháng 9/2010, Tập thơ Bến đò xưa của thầy đã ra mắt bạn đọc, do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành. Phần giới thiệu tập thơ do Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khuân(cũng là thầy giáo giảng dạy chúng tôi lớp 11) thực hiện. Phần cuối tập thơ, tôi cũng mạo muội sáng tác một bài thơ tặng thầy. Tôi tâm niệm rằng đó là tấm lòng chân thành sâu sắc của tôi đối với thầy. Tôi xin gửi bạn đọc cùng thưởng thức để biết thêm về người thầy đáng kính của chúng tôi.
Giáo án đêm nay thầy không còn soạn nữa
Nghỉ hưu rồi thầy trở lại quê hương
Sư phạm một đời bể dâu, dâu bể
Thế mà thầy vẫn giữ tấm lòng son.
Nhớ năm xưa con được học với thầy
Bài thầy giảng thấm từng lời ao ước
Giảng Truyện Kiều, thầy làm con rơi lệ
Nhật kí trong tù làm cánh hạc thơ bay.
Những ngày đầu đổi mới dạy văn
Vần thơ mới cho thầy thêm ngẫu hứng
Thơ Xuân Diệu, giọng của thầy riết róng
Văn Nguyễn Tuân, thầy giảng vẹn đôi đường.
Con đã qua những năm tháng học trò
Có lúc nghịch cho thầy thêm phiền muộn
Thầy thương con chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở
Giờ bên thầy, xin chuộc lỗi thầy ơi!
Gặp lại thầy tóc lấm tấm hoa râm
Tấm lòng xanh vẫn đi cùng năm tháng
Đọc thơ thầy, những bài thơ lãng mạn
Cuộc sống đời thường, thầy tỏa sáng chữ Tâm.
Hành trang của thầy để lại cho con
Những bài giảng hay về con người, lẽ sống
Cuộc sống hôm nay bao nhọc nhằn, cay đắng
Con nhớ lời thầy: lánh đục về trong…
Con lớn khôn đâu quên được ơn thầy
Ngày gặp gỡ lại thấy lòng mình ấm lại
Ở bên thầy, con thấy mình thơ dại
Tháng ngày trôi chấp chới những tầm tay…
Ngày 20/04/2010
Mai Quang
(Giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành- Nghệ An)
Kỷ niệm về một người Thầy
Ngày còn là học sinh cấp 2, tôi học tốt cả hai môn Văn và Toán. Năm nào tôi cũng đi thi học sinh giỏi huyện hai môn đó. Rồi kết thúc những ngày học ở trường xã, tôi bước vào trường huyện, trường THPT Phan Đăng Lưu. Điểm thi chuyển cấp hai môn Văn và Toán của tôi đều cao, nên tôi có tên trong danh sách ở cả hai lớp chọn Văn và Toán. Hồi ấy cả khối chỉ có bốn lớp 10. Đó là những năm tháng khủng hoảng của nghành giáo dục: học sinh bỏ học nhiều, đời sống của nhân dân nói chung và của giáo viên nói riêng vô cùng khó khăn. Thấy mấy người bạn của tôi vào lớp chọn Văn nên tôi cũng vào lớp Văn, mục đích đơn giản “ chỉ để cho vui”. Chúng tôi là con em nông dân nên chỉ nghĩ là học cho biết, học theo phong trào, chứ ngày đó đâu biết học để hướng nghiệp, để thi đại học như bây giờ. Cha mẹ cũng chẳng bao giờ thúc giục học để thoát li, để thi đại học.
Mấy tuần đầu ở lớp Văn, tôi hoàn toàn lạ lẫm, không dám giơ tay phát biểu. Tôi không còn là một học sinh mạnh dạn, mang tâm thế của một học sinh giỏi Văn. Ở cấp 2, tôi được mọi người biết đến thì bây giờ càng trở nên lu mờ. Nhưng các bài viết của tôi thì cứ thể hiện dần: Bài số 1 chỉ là điểm sáu, các bài tiếp theo là điểm bảy, tám, thậm chí có chín , mười. Thầy giáo dạy Văn bắt đầu chú ý đến tôi. Chính thầy đã làm thay đổi số phận của tôi sau này. Đó là thầy Hoàng Trữ, một thầy giáo dạy Văn có tiếng là “ cây đa cây đề”, từng là giảng viên ở trường đại học.
Một hôm, thầy bảo tôi:
– Thầy đã đọc kĩ các bài viết của em. Bài làm của em hơn hẳn các bạn ở chỗ là có sự tìm tòi, có sự sáng tạo độc đáo, không phụ thuộc vào bài giảng của thầy và tài liệu. Đặc biệt, hành văn rất trôi chảy, lưu loát; nội dung, tư tưởng trong sáng.
Được sự khen ngợi của thầy, tôi càng cố gắng. Ngoài ra, tôi còn là một học sinh học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán. Hè năm đó, tôi được thầy giao nhiệm vụ tập hợp một số bạn học tập tốt trong lớp để đến nhà thầy học. Đầu những thập niên chín mươi ấy chưa có học thêm, học khối như bây giờ. Học trò chủ yếu tự học. Thầy dạy trò cũng không phải vì mục đích thu nhập. Chúng tôi được thầy dạy một tuần ba buổi. Số tiền thù lao cho thầy cũng chỉ đủ để bồi dưỡng cho thầy bằng đường sữa. Có thể nói là rất ít ỏi. Thế mà không khí học tập rất hào hứng, cả thầy và trò đều say sưa trước những áng văn hay, những vần thơ đẹp. Thầy có chất giọng rất truyền cảm nên đến tận bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ những bài giảng của thầy. Biết hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, nên các bồn hoa của gia đình nhà thầy, thầy giao cho tôi làm và trả tiền thù lao. Hè lớp 10 năm đó là một kỉ niệm đẹp đối với chúng tôi.
Lên lớp 11, tôi càng học tốt môn Văn. Tôi được thầy ghi tên vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh. Thế là từ đó tôi càng chăm chú học môn Văn. Tôi nghĩ: Phải học tốt để không phụ lòng thầy. Hết lớp 11, tôi định hướng là phải thi đại học và thi khối D : Văn, Toán, Tiếng Nga. Phải nói thêm rằng tôi học rất tốt tiếng Nga. Ba năm phổ thông, tôi luôn được dự thi học sinh giỏi tỉnh môn này. Thế nhưng vì yêu thích môn Văn, hăng say với môn Văn, học Văn để thầy luôn hài lòng nên cuối cùng môn Toán của tôi kém dần. Năm tôi thi tốt nghiệp phổ thông cũng là năm Liên Xô sụp đổ, năm 1991. Ước mơ, hoài bão thi khối D vào trường Đại học ngoại ngữ của tôi cũng tan thành mây khói.
Từ khối D chuyển sang khối C, chật vật mãi, cuối cùng tôi cũng đậu đại học sư phạm, chuyên nghành Ngữ Văn. Ngày tôi lên đường nhập học, thầy bảo:
– Em cố gắng học tập, có gì khó khăn, thầy sẽ giúp đỡ.
Tôi vào đại học, thầy cũng nghỉ hưu. Thầy vào dạy thêm ở một trường dân lập tại thành phố Vinh. Thế là thầy trò chúng tôi lại thường xuyên gặp nhau. Tình nghĩa thầy trò càng ấm áp hơn. Sau 4 năm, tôi tốt nghiệp và về quê giảng dạy. Từ đó, thầy trò chúng tôi chỉ gặp nhau qua những cánh thư. Mãi đến năm ngoái, khi đã quá tuổi bảy mươi, thầy mới về quê nghỉ hẳn. Thầy trò chúng tôi gặp nhau, mừng mừng tủi tủi sau mười năm xa cách. Tôi mừng vì thầy vẫn khoẻ và còn rất quan tâm đến tôi. Tôi xấu hổ vì lâu rồi không đến thăm thầy. Tôi nói:
– Em rất có lỗi với thầy. Vì đã lâu không đến thăm thầy được, mặc dù có những lúc em vào thành phố Vinh.
– Không sao cả. Có ai lại trách học trò vì học trò không đến thăm thầy. Người thầy là những người chèo đò thầm lặng, vô danh. Học trò qua rồi quay lại thăm mình cũng khó lắm chứ! Bao nhiêu chuyện lo toan , phải không em?
Tôi gật đầu. Thế là thầy hiểu cho nỗi vất vả, gian nan của tôi. Thầy trò chúng tôi tâm sự với nhau rất nhiều. Tôi nói với thầy về nỗi buồn của mình, đó là học trò ngày nay không thích và không muốn học môn Văn như thời chúng tôi. Thầy nói:
– Cũng phải thôi em ạ. Môn Văn là môn làm đẹp tâm hồn và cuộc sống, nó không làm ra tiền như các môn tự nhiên và các nghành khoa học kĩ thuật khác. Vả lại, học khó, thi khó, tìm việc khó, thu nhập khó nên làm cho học sinh dẫu có yêu thích môn Văn cũng không dám theo và học môn Văn. Nhiều lúc cũng đừng trách học sinh quá em ạ.
Tôi hoàn toàn đồng ý với thầy và sự thật cũng đúng như thế. Thầy bảo tiếp:
– Dù sao thì các em cũng phải cố gắng nhiều. Không được bi quan, chán nản. Nghề văn được xem là “ kĩ sư của tâm hồn”. Nếu chán nản thì làm sao mà dạy được, nếu thế thì học trò càng chán học Văn.
Tôi gật đầu. Lời dạy của thầy hôm nay không có gì mới, nhưng một lần nữa lại “khai sáng” cho tôi, giúp tôi một lần nữa “nhận đường” về dạy Văn và phải luôn coi đó là cái “nghiệp” của mình. Có bao lần, vì học trò lười học tôi đâm ra chán nản, thậm chí bi quan. Thế nhưng bây giờ tôi tự nhủ: Dù thế nào thì mình cũng phải cố gắng. Tôi không muốn phụ lòng thầy và học sinh.
Yên Thành, ngày 09 tháng 11 năm 2007
Mai Quang
(Giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành- Nghệ An)
Về Qùy Lăng
Kính tặng quê hương thứ hai của tôi
Bài thơ này tôi viết để bày tỏ sự tri ân đối với Đất và Người Lăng Thành- miền đất khi xưa chính là phủ Quỳ Lăng. Tôi đã sống và làm việc tại miền đất này từ năm 1997. Từng ấy thời gian, cùng bao kỉ niệm vui buồn, với bao tình cảm chan chứa yêu thương. Tôi sẽ mãi coi miền đất Lăng Thành(Quỳ Lăng) là quê hương của mình. Bài thơ này chính là tình cảm chân thành của tôi với những chiêm nghiệm, suy ngẫm và tri ân qua những tháng ngày nơi ấy.
Về Quỳ Lăng chiều mùa thu lộng gió
Nắng xôn xao từng ngõ nhỏ
Tôi- chàng sinh viên ánh mắt mắt buồn vu vơ
Lần đầu tiên đặt chân đến miền đất lạ.
Mái trường yêu
Nghiêng nghiêng trong nắng chiều
Gió lùa lao xao
Tiếng chim thì thào trong kẽ lá.
Tôi người xứ lạ
Lần đầu đến nơi này
Chiều thu hoa cỏ may
Khiến nỗi niềm ngơ ngác.
Con gái Quỳ Lăng
Uống nước Bàu Sừng
Có làn da trắng
Khiến kẻ đa tình si mê.
Cầu Cây Phượng uốn cong
Đón bao người qua lại
Cũng là nơi hò hẹn
Cho lòng người nhớ mong.
Đình Sừng uy nghi trầm mặc
Mái đình cong vút ngang trời
Vang vọng lời cha ông
Ngàn năm không bao giờ tắt.
Chiều buồn đến nhà bạn
Bát chè xanh trên tay
Niềm u uẩn bao ngày
Xin dồn vào li rượu.
Hơn mười năm ở lại Quỳ Lăng
Miền đất lạ đã hóa thành Đất Mẹ
Phiền muộn ưu tư đã có Người chia sẻ
Cho cuộc đời dào dạt những yêu thương.
Cảm ơn Đất và Người Quỳ Lăng
Đã cho tôi những ngày khôn lớn
Đã cho tôi những yêu thương hờn giận
Bao buồn vui thăm thẳm đến nơi nào…
Quỳ Lăng, ngày 04/05/2010
Mai Quang
(Giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành- Nghệ An)
Nhớ bạn
Trong chuyến du lịch vừa rồi, tôi có dừng chân tại Thành phố Huế. Năm 1995, tôi đã từng đến nơi này. Ngày ấy, tôi từng có những kỉ niệm với một người bạn gái thân. Chúng tôi đã đến nhiều nơi của Thành phố để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp cổ kính của nó. Đó cũng là những ngày cuối cùng của người bạn gái. Sau đó 10 ngày, bạn đã từ giã cõi đời này trong một tai nạn. Lần đến Huế này, tôi lại càng nhớ đến những kỉ niệm xưa. Đây là một trong những bài thơ tôi viết để kính viếng hương hồn bạn.
Lâu rồi không gặp bạn
Bao ngọt bùi đắng cay
Nỗi tiếc thương ngày ấy
Bây giờ vẫn còn lay.
Ngày xưa bạn đẹp lắm
Một vẻ đẹp kiêu sa
Một duyên thắm mặn mà
Khiến bao người trắc ẩn.
Ngày bên nhau ngắn ngủi
Bạn hay buồn vu vơ
Tôi thì cứ phớt lờ
Để bây giờ hối hận.
Ai ngờ ngày định mệnh
Lại đến quá bất ngờ
Ai ngờ ánh sao rơi
Cho màn đêm mờ mịt.
Ngồi một mình nhớ bạn
Đêm buồn càng mênh mang
Bao tiếc nuối lỡ làng
Cho dòng đời cuộn xoáy.
Bây giờ tôi đứng đây
Bạn là của trời mây
Giơ bàn tay vẫy vẫy
Bao niềm đau chơi vơi…
Ngày 02/05/2010
Mai Quang
(Giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành- Nghệ An)