Tình cảnh của bà khiến nhiều người phải cảm động. Không có tiền cứu chồng bà đã phải bán phần hương hỏa và giờ là đi nhặt rác.
“Muối ba năm muối đương còn mặn/Gừng chín tháng gừng hãy còn cay. Đôi ta tình nặng nghĩa dày…” – tôi cứ ngỡ, vợ chồng họ chính là nhân vật bước ra từ câu hò ví dặm “Gừng cay muối mặn” của xứ Nghệ quê mình.Hai ông bà đều đã trên cả “thất thập cổ lai hy”, nhưng họ không nỡ rời nhau nửa bước. Ông bị bạo bệnh không có tiền chạy chữa, bà phải chịu mang điều tiếng để bán đi phần lớn đất hương hỏa.
Bà Minh không nỡ rời chồng nửa bước.
Tiền đất đã hết, bà vẫn không lùi bước, đi nhặt ve chai mà chữa bệnh cho ông. Câu chuyện đầy cảm động của cặp tình già ấy đã lay động biết bao nhiêu người ở Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An.
Theo lời của bác sĩ Nguyễn Văn Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An: “Tôi cảm động quá trước tình cảm, trách nhiệm của ông bà mà phải gọi cho nhà báo. Cả bệnh viện chúng tôi ai cũng biết chuyện về ông bà này, thật hiếm có một tình yêu son sắt, thủy chung đến thế”.
Còn bác sĩ Vũ Ngọc Lân – Trưởng khoa Chạy thận nhân tạo – thì nói: “Thương lắm, bà đi lượm ve chai để nuôi ông chạy thận mấy năm nay rồi. Ông cụ đã suy thận độ 4, giai đoạn cuối, nhưng cứ hễ nói đến cái chết là cụ bà lại lồng lên: Ông không được chết”.
“Bà ấy khổ vì phải làm vợ tôi”
Bữa ấy là ngày thứ tư, ngày ông Trần Thượng Thiều chạy thận lần 2 trong tuần. Trở trời, căn phòng chạy thận nhân tạo ngột ngạt quá. Ông cảm thấy trong người khó chịu hơn mọi hôm. Bà hết lau mồ hôi rồi lại nắn tay cho ông, chốc chốc lại nhỏ nhẹ: “Có đỡ hơn không, sắp xong rồi”. Lời nói không đầu không cuối của bà sao mà thắm thiết đến thế.
Ông gật đầu, nói trong cổ họng: Đỡ rồi. Bà nhìn ông mỉm cười mà không kịp lau những giọt mồ hôi cứ thi nhau rịn ra từ khuôn mặt nhăn nheo, nhàu nhĩ.
Ông Thiều lim dim đôi mắt. Tôi có cảm giác, ông đang cố gắng nuốt từng lời nhỏ nhẹ của bà. Ông đang cố hưởng trọn niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà theo ông, thời gian sẽ không còn dành cho ông được nhiều nữa. Ông vội mở mắt, hai giọt nước lăn theo. Có lẽ đó chính là ngôn ngữ, là tiếng lòng mà ông bà đã dành cho nhau.
Ông thều thào với tôi: “Bà ấy khổ lắm, vì phải làm vợ tôi. Làm vợ của một đứa con mồ côi thì làm sao mà sướng được. Bố mẹ mất sớm, từ hồi mà tôi không nhớ nổi mặt ông bà. Tôi lớn lên với ông bà nội. Hai mươi tuổi, ông bà hỏi bà ấy về làm vợ cho tôi. Có tình yêu tình iếc chi như người khác”.
Đoạn ông lã chã hai hàng nước mắt như thay lời hàm ơn với bà: “Thế mà bà ấy thương tôi lắm, chưa một lần tiếng bấc, tiếng chì”.
Hai bóng già xiêu vẹo trở về phòng trọ sau mỗi buổi chạy thận.
Qua câu chuyện, tôi biết được quê ông bà ở vùng chiêm trũng – xã Trung Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) – cái vùng đất mà mới chỉ mưa như dế đái đã ngập úng cả mùa. Bà – cô thôn nữ Nguyễn Thị Minh – đã bất chấp bao nhiêu lời thị phi để đến với ông – đứa con không cha không mẹ. Bà biết phận mình thiệt thòi, nhưng vì ông là một trai tráng siêng năng, chịu thương chịu khó. Một mình ông có thể bẻ gãy sừng một con trâu mộng. Ai chê kệ người ta, với bà thế là hạnh phúc.
Mà nhà bà cũng có hơn gì người ta là mấy. Bố mẹ cũng nghèo kiết xác. May nhờ cách mạng mà bố mẹ bà mới thoát khỏi cảnh tôi đòi. Hơn nữa, xưa nay mấy ai mà không tay trắng làm nên. “Miệng ăn núi lở” – bà nói thế. Người quê bà làm sao mà xa được cây lúa, củ khoai. Bà không suy tính thiệt hơn, gật đầu làm bạn trăm năm với ông.
Ở với nhau được hai mặt con, năm 1969 ông lên đường nhập ngũ. Bà không biết ông đóng quân ở đâu, chỉ nghe nói là chiến trường K. Xa nhau bà nhớ lắm, nhưng nào biết địa chỉ mà viết thư, hơn nữa có gần nhau thì nói đôi câu, xa nhau biết viết chi đây.
Như một người chinh phụ, bà vò võ nuôi con, chờ chồng. Bà cũng chẳng nhớ năm nào, chỉ nhớ tường rào chợ Rộc quê bà, ai vừa viết xong câu khẩu hiệu bằng than đá: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để sản xuất” và chiều hôm ấy bà cũng vừa nhập xong một con lợn nghĩa vụ, thì ông chống nạng trở về.
Đêm đầu tiên của bao năm xa cách, bà không sao chợp mắt, vừa mừng, vừa lo. Mừng vì chồng đã trở về, lo vì không biết ông có đảo ngũ hay không. Nếu có đảo ngũ thì mặt mũi đâu mà nhìn bà con.
Sáng mai, như lời bà kể, bà hơn hớn nét mặt đi khoe khắp làng: Anh ấy chiến đấu rất anh dũng, bị thương ở chiến trường K. Tôi nhận thấy nét hãnh diện trên khuôn mặt khắc khổ của bà, dẫu câu chuyện đã mấy chục năm về trước.
Nhặt ve chai nuôi chồng chạy thận
Sợ ông xúc động mạnh, bác sĩ Lân khéo léo mời bà sang phòng trực để tôi không bị gián đoạn câu chuyện. Bà thủ thỉ, ông ấy tội nghiệp lắm. Tuổi thơ đã sớm phải côi cút, lớn lên lại cơ cực, lam lũ. Từ ngày ở chiến trường trở về, ông ấy hăng say với phong trào của HTX, lại vừa giúp đỡ mẹ con tôi. Việc gì cũng làm, việc gì cũng bàn bạc với vợ con.
Mười năm trước thấy ông đau, tôi khuyên đi khám bệnh, nhưng ông cứ gạt phắt, giặc Mỹ chả hại được tôi thì chẳng có bệnh gì hại được tôi cả. Cũng chỉ vì cái nghèo mà nên nông nỗi này.
Ba năm trước, đau quá, ông mới chịu theo tôi đi khám bệnh. Biết bệnh thì đã nặng lắm rồi, suy thận độ 4, chỉ còn nước chạy thận mà thôi. Tôi bảo trả hết công việc mà đi, bứt ra mà đi. Ấy thế mà ông còn nấn ná cho được mấy tháng, bàn giao xong hết việc HTX mới chịu đi.
Lúc đầu là bán lợn, bán trâu để ông chạy thận. Không ngờ cái bệnh quái ác này lại là bệnh nhà giàu, bao nhiêu tiền cũng không lại. “Chú coi, hơn hai năm rồi, ông bà thuê nhà trọ, mỗi tuần ba bận chạy thận thì còn đâu là gia sản” – bà Minh nghẹn ngào.
Bà tiếp tục: Chỉ có người là quý nhất, tôi với ông ấy đã làm vợ chồng hơn 50 năm rồi, còn tiếc chi nữa. Hai sào rưỡi đất hương hỏa, tôi quyết định bán dần để chạy chữa cho ông. Tiền như gió vào nhà trống, bây giờ chỉ còn 500 thước đất không thể bán được nữa, mà bệnh tình của ông thì ngày một nặng. Nhưng lòng tôi đã quyết, không để cho ông mất hy vọng, còn một tí sức là tôi còn chạy chữa cho ông.
Thời gian ở thành phố, tôi nhận thấy có một nghề mà mình có thể làm được – nhặt ve chai. Bà kể: Cứ 5 giờ sáng là bà lại vào bệnh viện để nhặt ve chai. Lúc đầu bảo vệ không cho, sau khi họ biết hoàn cảnh thì không những cho nhặt mà mấy chú còn nhặt giúp, các cô y tá cũng thế. Còn các cô ở nhà thuốc thì cứ để dành cho bà mấy hộp giấy, mấy lọ thuốc bằng nhựa, ai cũng thương cả.
“Có hôm ở chợ, tôi định đến nhặt mấy hộp bia thì mấy đứa nỏ nhanh chân hơn nhặt mất. Có chị hàng cá nói gì đó thế là mấy đứa lại mang đến cho tôi” – câu chuyện nhỏ làm bà Minh rất cảm động.
Rồi bà trở nên rắn rỏi: “Chú xem không làm thế thì lấy tiền đâu mà trả tiền nhà trọ, tiền thuốc, tiền ăn… Tôi còn tự hứa, mỗi tháng phải mua bằng được cho ông hai hộp sữa dành cho người chạy thận, nào có rẻ, những 400 trăm nghìn một hộp”.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lân nói với tôi đầy xúc động: Hồi mới nghe anh em trong khoa kể chuyện, tôi không tin. Một lần kê đơn thuốc, tôi thấy bà moi hết các túi chỉ toàn tiền lẻ, mà vẫn không đủ, tôi phải cho bà tiền để kịp thời mua thuốc cấp cứu cho ông. Từ đó, tôi vận động anh em cho bà những gì có thể bán được để giúp đỡ.
Mà không riêng gì khoa này, cả mấy chị bán thuốc, mấy anh bảo vệ cũng cho bà nào là bìa cáctông, nào ống nhựa… Thậm chí, anh em còn gom cả một góc phòng, chờ ông bà đến phiên chạy thận để mang cho. Khổ lắm, đã mắc phải bệnh này thì đến tiền núi cũng hết…
Bà Minh khó nhọc trở về phòng bệnh, khó nhọc chờ chồng xong buổi chạy thận hôm nay. Cứ thế đều đặn mỗi tuần 3 buổi, sáng ông bà dắt nhau đến, trưa lại dắt nhau về. Cứ đi miết, ông kêu mệt bà lại đỡ ông ngồi nghỉ, chừng dăm bảy lần nghỉ thể nào cũng về đến phòng trọ. Bữa nào nắng quá, bà lại mượn xe lăn để đẩy ông về.
Tôi đứng trông theo hai bóng già xiêu vẹo trên đường phố tấp nập, vừa thán phục, vừa chạnh lòng. Không biết, họ đã nói với nhau những gì, nhưng tôi tin, thi thoảng bà lại hỏi ông, câu hỏi không đầu không cuối: Đỡ mệt hơn không?…
Theo Báo Lao Động