Ông là Hồ Hoài Chương, 64 tuổi, trú tại xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Người dân nơi đây đều gọi ông là “người ở thế giới bên kia”.
Công việc ít ai chọn
Đang chần chừ hỏi đường thì anh Nguyễn Hùng, người sống ở Chợ Mọ, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành đã mách: “Các chú ở xa đến hỏi nhà ông Chương canh “vườn mồ” (nghĩa địa) à, nếu muốn gặp ông Chương thì cứ đi thẳng vô vườn mồ luôn, ông ấy ngày cũng như đêm đều ở đó cả. Nhiều người khiếp sợ khi nhắc đến chốn ma quỉ, còn ông ấy thì từ chuyện ăn uống đến sinh hoạt coi vườn mồ là ngôi nhà ở”.
Nghĩa địa xã Hậu Thành nằm lọt thỏm giữa chốn thâm sơn hoang vắng, quang cảnh nơi đây cây cối um tùm rậm rạp, không bóng người qua lại. Một tiếng xoạt phát ra từ bụi rậm, hóa ra là một con chồn vụt chạy rồi biến mất. Tưởng rằng tim ngừng đập bởi khiếp sợ, thì nghe tiếng người cất lên: “Các cháu vô đây thắp hương cho ai hay tìm gặp ai?”. Qua giới thiệu, chúng tôi mới biết ông Chương, dáng người gầy, miệng tươi cười, tay ôm bó củi tiếp chuyện: “Chính quyền xã đã cử tui canh giữ vườn mồ và bảo vệ cây cối, đến nay cũng đã hơn chục năm rồi. Vợ và con tui can ngăn, nhưng tôi coi đây là chuyện tâm linh là công việc canh giấc ngủ cho người đã khuất chứ có chi mô mà sợ”.
Công việc quản vườn mồ người ngoài thấy đơn giản nhưng khi tìm hiểu mới thấy sự vất vả, nỗi ám ảnh về tinh thần rất lớn. Trời khô ráo thì không nói nhưng khi trời mưa dầm lê thê rét buốt mới cảm nhận được tấm lòng của người canh giấc ngủ cho người chết. Ông Chương chia sẻ: “Công việc ni ít ai chọn, bởi đêm cũng như ngày phải ở đó để bảo vệ trâu bò người dân thả qua đêm húc nhau bới mồ mả lên, phong tục ở đây khi người chết chôn cất xong là người nhà không được dùng vật dụng gì chăm sóc mộ. Muốn cuốc cỏ hay quet dọn, vun xới phải chờ “hết khó” (bốc mộ, phong tục cho rằng sau 3 năm đầu khi chết, người chết vẫn chưa yên nghỉ và đang chuyển tiếp,… cũng như giai đoạn lên kén. Chờ đến khi bốc mộ mới giải phóng khỏi mộ. Người chết lúc đó mới có thể biến đổi thành tổ tiên linh thiêng, linh hồn có thể phù hộ cho gia đình được an lành – PV)”.
Giữa bốn bề là núi rừng, ánh sáng mặt trời chỉ luồn qua những tán lá rừng yếu ớt, vùng đất nơi đây quanh năm ẩm ướt, rêu phong bao phủ. Nhưng ông Chương vẫn gắn bó sinh sống trên một cái chòi nhỏ rất ít khi về nhà. Chuyện ăn uống cho đến sinh hoạt của ông qua loa không cầu kì, có bữa ông ăn trái cây rừng, lá rừng cũng xong. Ông chỉ tay lên ngọn đồi cao ngút, nói: “Trước đây vùng ni âm u, muông thú nhiều lắm, nhưng sau này con người chọn nơi đây làm nghĩa địa, mùi hương khói tác động khiến muông thú bỏ, chỉ còn lại cảnh hoang lạnh, tang tóc mà thôi. Đây toàn ma với ma, rất ít người lai vãng”.
Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Vịnh, 87 tuổi, vị cao niên của làng chia sẻ: “Ông Chương là người canh giữ vườn mồ tận tâm, ngày cũng như đêm ông đều sống ở trên chòi, ít khi về nhà lắm. Nói về ma quỉ thì ông không biết sợ là gì hết”.
Là người có tinh thần thép, sống với ma, những vật dụng của người chết ở vườn mồ đều được ông sưu tập về thành “kho lưu trữ”, như giày dép, quần áo, ván hòm,… sau khi người ta bốc mộ lên không phân hủy hết. Chúng tôi hỏi ông tại sao lại dám mang về nhà thì ông chia sẻ: “Tui mang về vợ con mắng chửi ghê lắm nhưng tui vẫn nhặt về. Thứ nhất, là tui dọn cho sạch sẽ nếu vứt bừa bãi như thế làm mất vệ sinh lại ô nhiễm môi trường; Thứ hai, đây là thứ tốt còn có thể dùng được, nếu cần tui sẽ lấy dùng, chẳng gì phải sợ cả”.
Nhiều người cho ông là “người cõi âm”, từ chuyện ăn uống đến sinh hoạt đều khác người. Chuyện người ta nói thì mặc người ta ông đều bỏ ngoài tai, cốt là mình làm đúng với lương tâm mách bảo.
Người lính gan dạ
Tiếng tăm về “Chương vườn mồ”, người dân cả huyện Yên Thành đều biết đến. Bản chất người lính đã tôi luyện nên con người sống phục vụ và cống hiến cho mọi người. Đất nước hòa bình ông vẫn là con người đóng góp bảo vệ quê hương.
Gặp vợ ông, bà chia sẻ: “Ông nhà tui tham gia canh vườn mồ đã lâu, vợ con khuyên ông ấy nên ở nhà nghỉ ngơi, nhưng ông ấy có chịu nghe mô. Ông ấy toàn ở đó ít khi về nhà lắm, đêm cũng như ngày. Chốn ma quỉ nhắc đến tui cũng phát ớn rồi huống chi là ăn với ở qua đêm như rứa”.
Bác Nguyễn Tuấn (người cùng xã) cho biết: “Nghĩa địa là nơi hiu quạnh, khi có đám ma thì con người mới vô đó thôi. Chứ khi mô cũng hoang vắng, lạnh lẽo… Tui khen ông Chương gan dạ thật, tui mà có ai thách tui nửa đêm vô đó lấy tiền triệu tui cũng xin đầu hàng, còn ông ấy coi nghĩa địa như ngôi nhà của mình”. Ông làm ở đây chuyện lương thưởng khá khiêm tốn, cộng tất cả các khoản trợ cấp chỉ vẹn vẹn 300.000 đồng: “Tui làm vì lương tâm, chuyện tiền nong không thành vấn đề, cốt là những người chết khi nằm xuống họ cũng có được giây phút yên tĩnh, không bị quấy phá”.
Ông Nguyễn Viết Lục, xóm trưởng xóm Đông Sơn cho hay: “Việc làm của ông Chương rất đáng hoan nghênh, ông ấy không tính chuyện tiền bạc mà tự nguyện bảo vệ canh giấc ngủ cho những người đã khuất. Xã hội có rất nhiều tấm gương tốt, nhưng Ông Chương đây là trường hợp rất đặc biệt”.