Như dự đoán của nhiều người, phiên tòa diễn ra khá bình lặng, thậm chí, giống như phiên tòa trước đó, các bị hại đồng loạt đứng lên xin giảm án cho chủ mỏ đá, người được xem là có trách nhiệm trực tiếp trong vụ tai nạn kinh hoàng.
Thảm họa Lèn Cờ
Sáng 5/3/2013, dư luận Nghệ An hướng về phiên tòa xét xử vụ án sập mỏ đá Lèn Cờ làm 18 người chết và 7 người bị thương gây chấn động dư luận vào ngày 1/4/2011. Bị cáo duy nhất trong phiên tòa là Phan Công Chín (SN 1964) – Giám đốc công ty TNHH Chín Mến. Bị cáo Chín bị truy tố, xét xử về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên gây hậu quả nghiêm trong trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Hàng trăm người dân đã có mặt để theo dõi phiên tòa đặc biệt này. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, mỏ đá Lèn Cờ thuộc xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) do công ty TNHH Chín Mến làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại quyết định 1399/QĐ-UB ngày 23/4/2007 với diện tích khác thác 2,09ha; trữ lượng mỏ là 518.176m3; công suất khai thác 47,549m3/năm; thời hạn khai thác là 3 năm.
Đến tháng 8/2010, UBND tỉnh ra quyết định gia hạn cấp phép cho công ty này tiếp tục khai thác. Khi được cấp giấy phép, ông Phan Công Chín đã chia mỏ ra thành 15 bến để giao khoán cho 15 tổ công nhân thuộc công ty tự tổ chức khai thác. Các tổ này tự mua sắm máy móc, trang thiết bị, thuê nhân công, chế biến đá. Trước khi các tổ đem sản phẩm đi tiêu thụ thì công ty TNHH Chín Mến cử hai thành viên là Phan Công Chín và bà Hoàng Thị Mến luân phiên thu tiền 50.000 đồng/m3.
Sau một thời gian hoạt động, sáng 1/4/2011, thảm họa đã xảy ra. Theo đó, vào khoảng 7h sáng, khi các công nhân đang chuẩn bị bắt đầu công việc thì một nửa mái núi Lèn Cờ đã đổ sập khiến hàng chục công nhân bị vùi lấp dưới đống đất đá. Hậu quả là 18 công nhân bị chết và 7 người khác bị thương nặng. Đây là vụ tai nạn có thương vong lớn nhất trong năm ở tỉnh Nghệ An. Thời điểm ấy, cơ quan chức năng đã phải huy động sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng và phải mất 3 ngày, toàn bộ thi thể của các nạn nhân mới được tìm thấy dưới hàng nghìn khối đất đá.
Sau khi vụ việc xảy ra, nhận thấy những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình khai thác đá cũng như trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan, cơ quan điều tra công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Công Chín, Giám đốc công ty TNHH Chín Mến. Cáo trạng còn chỉ rõ:
Trong quá trình khai thác, công ty này không tuân thủ các quy định nêu trong giấy phép, trong đó có nội dung khai thác không đúng thiết kế mỏ. Chỉ cho phép mở móng khai thác phía Bắc, tuyệt đối không được khai thác về phía Nam nhưng Phan Công Chín vẫn tổ chức cho khai thác về phía Nam. Đây là sai phạm nghiêm trọng dẫn tới sập mỏ làm 18 người chết và 7 người bị thương, hư hỏng một số lượng lớn tài sản (máy móc) với tổng thiệt hại gần 440 triệu đồng. Hành vi của ông Chín là liều lĩnh, coi thường kỷ cương pháp luật nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do vậy cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức khai thác tại mỏ đá Lèn Cờ, công ty đã không thực hiện đúng những nội dung quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp. Cụ thể, để thuận lợi và giảm bớt chi phí khai thác, công ty đã không tuân thủ quy trình khai thác đá từ trên xuống mà khoét hàm ếch khiến cho các mạch liên kết trong mỏ đá bị rạn nứt; Sử dụng giám đốc điều hành mỏ và người chỉ huy nổ mìn không đúng tiêu chuẩn quy định của Luật Khoáng sản.
Thậm chí, từ tháng 9/2008 đến 1/4/2011 (ngày mỏ đá bị sập) không có người điều hành mỏ. Ngoài ra, mỏ đá chưa đảm bảo an toàn lao động, chưa thực hiện biện pháp giảm thiểu môi trường. Trong quá trình khai thác, công ty TNHH Chín Mến đã từng bị công an huyện Yên Thành xử phạt hành chính vì có hành vi vi phạm an toàn lao động.
Liên quan đến vụ việc này còn có ông Hoàng Thanh Long – Phó phòng TN&MT huyện Yên Thành. Ông Long được phân công làm trưởng đoàn kiểm tra khai thác khoáng sản tại mỏ đá Lèn Cờ nhưng lại không phát hiện ra các vi phạm của công ty Chín Mến. Lẽ ra, ông Long phải bị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trong quá trình điều tra xác định ông Long không có trình độ chuyên môn kỷ thuật về khai thác mỏ, có thân nhân tốt, nên cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra.
Ngoài ra, còn có ông Phan Thế Trung (Chủ tịch UBND xã Nam Thành), ông Nguyễn Trọng Lương (Chánh thanh tra sở Công Thương tỉnh Nghệ An), ông Lê Quang Huy, Trần Văn Toản, Nguyễn Duy Nhật (cán bộ sở TN&MT tỉnh Nghệ An) cũng có sai phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác của công ty Chín Mến và tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cho công ty Chín Mến tại mỏ đá Lèn Cờ chưa đúng. Tuy nhiên, hành vi vi phạm này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên VKSND tỉnh đã yêu cầu cơ quan quản lý có biện pháp xử lý hành chính nghiêm túc.
Bị hại đồng loạt xin giảm án cho bị cáo Phan Công Chín.
Nặng một chữ “tình”
Tại phiên tòa đầu tiên diễn ra ngày 21/5/2012, bị cáo duy nhất – Phan Công Chín – đã thành khẩn khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình như: Tự ý mở rộng phạm vi khai thác, vi phạm quy định về an toàn trong quá trình khai thác, chỉ ký hợp đồng thời vụ với các lao động, vào thời điểm khai thác, mỏ không có giám đốc điều hành. Ông Chín cúi đầu nhận tội và xin nhận mọi hình phạt của pháp luật.
Thế nhưng, điều làm rất nhiều người bất ngờ, bởi trong số 7 người bị thương và đại diện 18 người tử vong đều đồng loạt đứng dậy xin HĐXX giảm hình phạt cho bị cáo. Chẳng ai hiểu lý do, nhưng quan điểm của họ là, từ khi công ty TNHH Chín Mến do Phan Công Chín làm chủ đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Họ không muốn kết tội ông Chín mà muốn pháp luật khoan hồng để ông Chín được tự do. Một trong số 7 người bị thương phát biểu: “Nỗi đau của chúng tôi là rất lớn, nhưng ông Chín không có tội. Chính ông đã tạo công ăn việc làm cho chúng tôi. Việc thảm họa xảy ra là do chúng tôi chủ quan, chứ không liên quan nhiều đến ông Chín”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ người dân không muốn pháp luật trừng trị ông Chín là bởi họ đa số là những người thân của ông Chín và trong quá khứ, họ đã mang ơn ông này rất nhiều. Theo họ, chuyện xảy ra là ngoài ý muốn và ông Chín không đáng phải ngồi tù.
Cùng quan điểm đó, VKSND tỉnh Nghệ An chỉ đề nghị mức án 30-36 tháng tù đối với Phan Công Chín nhưng cho hưởng án treo. Lý do ông Chín chỉ bị đề nghị mức án này là trong quá trình điều tra, công ty TNHH Chín Mến đã đền bù cho các bị hại số tiền 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông Phan Công Chín cũng gửi lời xin lỗi đến thân nhân những người bị nạn và các bị hại lần lượt đề nghị xin giảm án cho bị cáo.
Sau 3 lần hoãn xử, sáng 5/3, TAND tỉnh Nghệ An đã tiếp tục đưa ra xét xử vụ án trên. Theo ghi nhận của PV, phiên tòa vắng mặt khá nhiều đại diện gia đình người bị hại và một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa, HĐXX xét thấy hoàn toàn có căn cứ kết luận Phan Công Chín vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, do Phan Công Chín khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Mặt khác, vụ tai nạn cũng có một phần do những người khai thác, bởi thời tiết không thuận lợi nhưng vẫn nhất quyết tiến hành công việc như thường ngày.
Một lần nữa, đại diện các gia đình bị hại lại lần lượt đứng lên xin giảm án cho chủ mỏ. Theo họ, ngoài lỗi kỹ thuật của ông Chín thì nguyên nhân sập mỏ chủ yếu do thiên tai, nằm ngoài kiểm soát của chủ mỏ. “Ông Chín đã tạo nhiều việc làm cho dân và được mọi người quý mến. Người chết giờ không thể sống lại được nữa, mong tòa giảm án đến mức thấp nhất cho ông Chín”, đại diện các bị hại đều đứng dậy trình bày như vậy.
Kết thúc phiên xét xử, HĐXX đã tuyên phạt ông Phan Công Chính 24 tháng tù giam.
Theo Kim Thoa – Phạm Phạm/ nguoiduatin