HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Bão giữa rừng đêm…

Lúc 2 giờ sáng hôm qua (27.10), một cuộc chiến giữa lực lượng bảo vệ rừng và lâm tặc lại xảy ra giữa heo hút đại ngàn Tây Nguyên, khiến 3 cán bộ bị thương nặng, một người đã anh dũng hy sinh.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, anh Phan Quốc Tán – người ngã xuống trong cuộc chiến này – còn đang trên hành trình từ Tây Nguyên trở về quê mẹ ở tận xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bằng chiếc xe chở xác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc. Người ta vẫn chưa dám báo hung tin cho vợ anh là cô giáo Chữ ở quê nhà…

Xa tít tắp đường về quê

Anh Phan Quốc Tán được khâm liệm tại BVĐK tỉnh Đắc Lắc.Chúng tôi có mặt tại nhà xác BVĐK Đắc Lắc lúc 7 giờ sáng 27.10. Theo quy định bắt buộc, Hội đồng Giám định pháp y đang tiến hành giải phẫu tử thi anh Tán. Lãnh đạo Công ty đầu tư – phát triển Buôn Ja Wầm, lãnh đạo Lâm trường Buôn Ja Wầm và đồng đội của anh ngồi đợi bên ngoài.

Vẫn trong chiếc áo màu xanh lá rừng, anh Phan Quốc Văn – anh ruột và là người đưa anh Tán vào hàng ngũ lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm – ngồi bất động bên cửa nhà xác. Với thâm niên hơn 20 năm gắn bó với rừng, anh Văn rõ hơn ai hết những nhọc nhằn, nguy hiểm, sự hy sinh rất khó tránh khỏi của những người đi bảo vệ rừng.

Còn anh Phan Quốc Tấn thì bàng hoàng, như thể anh chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Anh mới từ Nghệ An vào Tây Nguyên sáng sớm hôm qua để thăm em, nhưng anh Tán đi tuần rừng cả ngày nên anh em chưa gặp mặt, nào ngờ sáng nay… Tất cả đều im lặng. Chỉ có tiếng kêu khóc và những câu hỏi của người em gái làm thắt lòng những người có mặt, kể cả lãnh đạo Lâm trường Buôn Ja Wầm và Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar.

“Anh đi giữ rừng cho Nhà nước, cho nhân dân mà. Anh đâu có làm điều ác với ai, tại sao chúng giết anh? Tại sao chúng giết anh?… ” – chị Thanh cứ vật vã, lặp đi lặp lại bên ngoài nhà xác.

Phó phòng bảo vệ rừng Lê Xuân Nguyên bị xe lâm tặc đâm giập nát một bên đùi, phải khâu 40 mũi.Lễ nhập quan và truy điệu cán bộ Phan Quốc Tán được tổ chức ngay tại nhà xác bệnh viện. Lãnh đạo Lâm trường Buôn Ja Wầm đã cố gắng làm tất cả những gì tốt nhất cho anh. Hai người quản lý nhà xác còn khá trẻ, nhưng tỏ ra chuyên nghiệp, họ bao thầu từ việc mua sắm hương đèn, bát cơm, quả trứng đến quan tài, vàng mã… Việc tắm rửa, khâm liệm tử thi, hướng dẫn cúng bái – vốn là công việc của các vị cao niên – cũng do hai người này thực hiện chóng vánh.

Anh Nguyễn Thanh Nam – Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm – cho biết: “Vợ con anh Tán vẫn ở ngoài quê. Chúng tôi đã điện báo cho những người thân ở đó, nhưng mọi người không dám cho vợ anh biết hung tin, sợ chị không chịu đựng được nỗi đau này”. Nói xong, anh Nam cũng bưng mặt khóc.

Đúng 12 giờ trưa, chiếc xe của bệnh viện lên đường, bắt đầu hành trình vượt 1.500 cây số đưa anh Tán trở về quê mẹ. Phía sau anh, Tây Nguyên hùng vĩ đang bước sang mùa khô, gió như bầy ngựa hoang lồng lộn trên thảo nguyên. Gió lướt qua rừng nghe xa xôi, rì rào như tiếng sóng, hay tiếng nhạc rừng đưa tiễn anh đi về cõi vĩnh hằng?

Người ngã xuống cho rừng thêm xanh

Nửa chiều ngày 26.10, sau khi nắm bắt thông tin sơ bộ, 2 cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm vào tiểu khu 544, địa phận xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar. Dù không lạ gì, nhưng hai cán bộ này đã choáng váng trước một bãi tập kết gỗ khá lớn giữa đại ngàn, có cả cưa mâm đang hoạt động. Những cây gỗ cẩm liên, cà chít, chiu liu có đường kính gốc cả mét bị hạ xuống, xẻ thành hộp vuông vức, lần lượt theo xe về phía huyện Ea Súp.

Một bãi gỗ được phát hiện tại Lâm trường Buôn Ja Wầm.Bằng kinh nghiệm xương máu hàng chục năm đối mặt với lâm tặc, 2 cán bộ trinh sát đã gọi điện về Lâm trường Buôn Ja Wầm xin thêm lực lượng. Và cũng như mọi lần, anh Phan Quốc Tán là người đầu tiên hăng hái nhận nhiệm vụ nguy hiểm. Lúc đó đã 21 giờ. 9 cán bộ quản lý bảo vệ rừng lên xe gắn máy, nhằm hướng tiểu khu 544 tiến vào. Để giữ bí mật, họ phải giấu xe trong bụi rậm rồi vượt suối, băng rừng trong đêm tối, khi tiến sát hiện trường mới lộ diện để vây bắt lâm tặc.

Hai tên đi tìm gỗ ở xung quanh bãi nghe động bỏ chạy, 3 tên còn lại ngoan ngoãn chấp hành yêu cầu của tổ công tác là đánh xe về trụ sở lâm trường để tạm giữ, lập biên bản vi phạm.

Trên đường về, thấy bọn lâm tặc không có thái độ gì nguy hiểm, 5 cán bộ ở lại trạm cửa rừng để thực hiện nốt ca trực được phân công trước đó. Khoảng 2 giờ sáng ngày 26.10, 7 cán bộ còn lại đã áp giải chiếc xe cày và 3 tên lâm tặc về đến trụ sở lâm trường. Trong khi anh em vào mở cổng, bất ngờ xe lâm tặc tăng ga chạy thẳng về hướng thị xã Buôn Hồ.

Trên rơmoóc phía sau, một mình anh Tán quần nhau với hai tên giặc rừng, vừa tìm cánh chồm ra phía trước khống chế tên lái xe. Lợi dụng sơ hở đó, hai tên đứng sau đã rút những gộc tre đực, vốn được dùng để xoắn dây kéo gỗ, vụt tới tấp vào đầu, vào cổ khiến anh Tán ngã ra bất tỉnh. Chúng tiếp tục dùng gậy đánh anh đến chết, sau đó vứt xác xuống đường.

Ngay sau đó, anh Lê Xuân Nguyên – Phó phòng quản lý bảo vệ rừng – kịp thời điều khiển xe gắn máy vượt lên phía trước, đột ngột dừng lại để chặn đường. Nhưng chiếc xe cày lao với tốc độ quá nhanh, anh Nguyên chưa kịp dựng xe đã bị lâm tặc húc thẳng vào. Đến lượt anh Nguyễn Dương Lệ đuổi theo, bọn lâm tặc ép anh vào sát lề đường, sau đó hất xe của anh văng vào một bệ cống bêtông bên đường.

Những anh em khác đuổi theo đến địa phận buôn Quế rồi quay lại, bởi đồng đội các anh đang cần được cấp cứu. Nhưng anh Tán đã tắt thở trên đường vào bệnh viện, còn anh Nguyên bị giập một bên đùi phải khâu 40 mũi, anh Lệ bị giập kín lồng ngực. Vậy là phần thắng đang nghiêng về các anh, bỗng đột ngột đảo chiều bởi sự manh động, liều lĩnh của lâm tặc.

Phải bảo vệ người bảo vệ rừng

Ở Buôn Ja Wầm, anh Phan Quốc Tán là người cán bộ thứ hai phải hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, trước đó là anh Nguyễn Minh Huệ – nguyên Giám đốc lâm trường. Một ngày giữa năm 2007, nhờ lực lượng đủ mạnh nên tổ tuần tra của anh Huệ đánh úp được một nhóm lâm tặc và thu giữ 1 xe MTZ, 1 xe độ chế, 7m3 gỗ.

Anh Huệ đích thân điều khiển xe MTZ kéo theo một khúc gỗ lớn về lâm trường. Đêm tối, đường rừng gập ghềnh, chiếc xe lao xuống vực sâu và anh Huệ đã hy sinh. Sau cú sốc này, vợ anh là chị Hải phải thường xuyên điều trị bệnh tim dài ngày tại Bệnh viện Trung ương Huế, khi ba đứa con của anh chị vẫn còn quá nhỏ. Rồi cũng như anh Huệ, anh Tán ngã xuống để lại người vợ yếu (chị Phạm Thị Chữ – giáo viên mầm non) và 2 đứa con chưa kịp trưởng thành (cháu lớn 15 tuổi, cháu nhỏ 13 tuổi).

May mắn hơn các anh, những cán bộ khác tuy thoát chết trong gang tấc, song các tổn thất về sức khỏe, tinh thần cũng không phải nhỏ. Đó là anh Nguyễn Kim Mưu bị tràn dịch ổ bụng, 3 viên đạn ghém cắm sâu vào gan; anh Nguyễn Kim Nhật phải nhập viện với nhiều vết chém vào đầu, mặt… Đau xót hơn, có trường hợp phải “đầu hàng” do bị lâm tặc đe dọa, khủng bố.

Lâm trường Buôn Ja Wầm là điểm nóng về nạn chống người thi hành công vụ. Sau vụ 50 lâm tặc tấn công đoàn liên ngành tại tiểu khu 544 hồi tháng 11.2008 (Lao Động đã phản ánh), các cơ chức năng đã “mạnh tay” hơn với giặc rừng vùng này. Đầu năm nay cũng đã khởi tố 2 vụ, với hàng chục bị can. Vậy tại sao máu người giữ rừng vẫn đổ?

Xâu chuỗi các vụ án tương tự ở Đắc Lắc thì thấy rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, người bảo vệ rừng cũng chẳng khác gì người gác cổng cơ quan, hay bảo vệ một xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân… Ngay cả “cảnh sát rừng” – tức kiểm lâm – cùng lắm cũng chỉ gậy caosu, bình xịt hơi cay. Ở phía bên kia, lâm tặc lại có thừa gậy gộc, mã tấu, súng tự chế, vũ khí quân dụng chính hiệu.

Đối mặt với chúng trong điều kiện tay không, nếu không lùi bước thì người bảo vệ rừng phải hy sinh tính mạng cũng là điều dễ hiểu. Trong vụ việc ở Buôn Ja Wầm, 12 cán bộ bảo vệ rừng chỉ trông vào… một khẩu súng bắn đạn hơi cay. Chắc chắn anh Tán đã không ngã xuống, anh Nguyên và anh Lệ không mang thương tật suốt đời nếu họ được bảo vệ bởi những công cụ có đầy đủ uy lực.

Theo Đặng Trung Kiên / Báo Lao Động

Tin bài liên quan