Bà con các xã dọc đường 38 của huyện Yên Thành, nhất là các xã Tăng Thành, Trung Thành, Nam Thành, Bắc Thành… thường nhắc đến bà Trần Thị Thu, một cán bộ y tế cơ sở, một y sỹ sản khoa có tấm lòng “lương y như từ mẫu” có nhiều đóng góp với việc xây dựng phong trào y tế cơ sở và là một bà đỡ mát tay.
Bà Trần Thị Thu sinh năm 1929, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Phì Cam xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. 18 tuổi, bà gia nhập đội Thanh niên Cù Chính Lan và được điều đi phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Năm 1954, hoàn thành nhiệm vụ, bà trở về địa phương, được cử đi học một lớp đào tạo nữ hộ sinh và được phân công về trạm xá xã Tăng Thành.
Nhờ tích cực, tận tuỵ trong công việc, bà được cử đi học lớp đào tạo y sĩ hộ sinh và được điều về trạm xá ở vùng Chợ Rộc, phục vụ bà con ba xã Trung Thành, Bắc Thành, Nam Thành. Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt vừa làm nhiệm vụ nữ y sỹ hộ sinh, vừa cấp cứu tải thương sau những trận oanh tạc của máy bay Mỹ, bà không quản ngại khó khăn, lãnh đạo chị em trong trạm xá hoàn thành nhiệm vụ.
Thời bấy giờ, thuốc men, dụng cụ y tế còn thiếu thốn, lực lượng lao động phần lớn đi phục vụ ở chiến trường, có nhiều chị em nông dân nghèo lúc sinh nở không kịp đến trạm xá, bà đã đi về các nông trang, các cụm dân cư sơ tán ở sâu trong núi để đỡ đẻ cho chị em. Bất kể trời mưa hay nắng, có lúc nửa đêm khuya khoắt phải mò mẫm vừa đi vừa chạy để kịp cấp cứu cho sản phụ, đón cháu bé ra đời.
Thường thì chỉ những ca cần sự can thiệp bằng phẫu thuật, không thể giải quyết tại chỗ được, bà mới hội ý lãnh đạo trạm xá cho chuyển lên tuyến trên, còn phần lớn các ca sinh nở đều do bà trực tiếp làm lấy. Bà con ở vùng chợ Rộc, cả bà con nhiều xã khác ở Yên Thành đều quý mến, trân trọng khả năng chuyên môn và tinh thần phục vụ tận tuỵ của bà Thu.
Hàng ngàn cháu bé ra đời có sự chăm chút, nâng đỡ của bà Thu, một trong những bà đỡ mát tay của khối y tế cơ sở huyện Yên Thành. Đang giành được sự yêu mến, tín nhiệm của nhân dân dọc đường 38, thì những năm 70 bà xin về phục vụ tại trạm xá xã Vĩnh Thành. Trở về quê hương, bà Thu tiếp tục được giao trách nhiệm làm Trạm xá trưởng. Bà đã làm tròn trách nhiệm của một lương y cho đến ngày nghỉ hưu.
Suốt một đời công tác, cống hiến ở tuyến y tế cơ sở, một vị trí không có gì là “quyền cao chức trọng” trong xã hội, nhưng nhờ tấm lòng tận tuỵ với công việc, hết lòng yêu thương bệnh nhân, nhất là những sản phụ nghèo ở vùng quê nghèo, nên bà Thu đã giành được sự tin yêu, quý trọng, biết ơn của bà con nông dân.
Cái đáng quý của bà Thu là bà đã truyền nghề cho con gái của mình, dù vất vả nhưng bà khuyên các con đi theo nghề y, một nghề cao quý chữa bệnh cứu người, phục vụ nhân dân.
Đầu năm 2009, ở tuổi 81, không may bà Thu bị trọng bệnh và tạ thế ở nơi ở mới (phường Bến Thuỷ, Thành phố Vinh). Lúc bà đau yếu, cũng như khi bà tạ thế, nhiều bà con vùng sâu, vùng xa đến thăm hỏi và tiễn đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Đi sau linh cữu của bà, có hàng trăm người từ Yên Thành vào, từ Đô Lương, Tân Kỳ xuống, từ Đắc Lắc ra, trong đó có khá nhiều người ở tuổi 30, 40, 50, có người là kỹ sư, cử nhân, bác sỹ, có người cày ruộng ở quê, nhiều người trong số họ được mẹ kể lại giây phút mà họ lọt lòng may mắn có bà Thu- một nữ y sỹ hộ sinh có tấm lòng thơm thảo, suốt đời học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, lương y như từ mẫu.