“Tôi mà có sức có lẽ tôi chống gậy lên trung ương đề nghị cấp cho con Mai cái bằng khen mới được. Nuôi ông bà ngoại như hắn cả cái xã ni ai cũng phải cảm phục ấy chớ”, cụ Lê, người hàng xóm của chị Vũ Thị Mai (xóm Lũy, Mã Thành, Yên Thành, Nghệ An), nói với chúng tôi. Với người dân ở cái xóm Lũy nghèo nàn này, chị Mai luôn là tấm gương để họ nhắc nhở con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
23 năm trước, chị Mai mới 21 tuổi, tràn trề sức thanh xuân, đầy đủ điều kiện để có thể tìm cho mình một mái ấm gia đình. Thế nhưng, chị đã không hề toan tính gì mà tình nguyện về ở với ông bà ngoại trong căn nhà nhỏ đã xập xệ để chăm sóc ông bà thay mẹ mình. Nhiều người đàn ông muốn xây dựng gia đình với chị nhưng khi biết chị phải nuôi thêm hai người già ốm yếu, họ đều rút lui. Chị chấp nhận điều đó chứ không đành lòng để mặc ông bà ngoại không người chăm sóc. Thời gian cứ thế trôi qua, tới nay đã hơn 40 tuổi chị vẫn một lòng hiếu thảo nuôi dưỡng ông bà, không hề nghĩ tới việc sẽ kiếm cho mình một gia đình riêng.
Cụ ông đã 94 tuổi, bị tai biến mạch máu não, chỉ nằm bất động một chỗ suốt 10 năm nay. Cụ bà 84 tuổi, bị điếc và không còn đi vững. Mọi hoạt động của hai ông bà đều một tay chị Mai chăm lo. “Người già tính như con trẻ ấy, mình là con cháu mà cáu với ông bà sao được”, chị Mai vừa nói vừa chạy đi chạy lại giữa hai chiếc giường của hai ông bà. Cụ ông vừa đòi nâng ghế xong lập tức lại đòi hạ ghế xuống, ở giường bên cạnh cụ bà đòi uống nước, chưa kịp lấy thì bà hét ầm lên.
Chị Mai đang đốt lửa sưởi ấm cho ông bà ngoại
Trong căn nhà đã cũ kĩ tồi tàn, người phụ nữ có thân hình bé nhỏ ấy ngày ngày vẫn kiên trì nâng lên đặt xuống ông bà ngoại già nua của mình. “Nhiều khi qua nhà chơi, thấy o Mai cố hết sức bế bà cụ bị ngã vô nhà, hay cõng ông ra hiên hóng gió là tui lại thấy tội nghiệp o lắm. Tui ước sau ni lỡ mà có nằm chỗ con cháu mình hiếu thảo được một phần như o Mai là thỏa mãn lắm rồi”, cụ Lê nói về chị Mai với giọng đầy khâm phục. Đồng lương ít ỏi của một người nấu bếp tại trường mầm non xã của chị không thể đủ trang trải cuộc sống cho ba người, chị phải làm thêm nhiều nghề phụ khác để có thêm tiền chạy chữa cho ông bà luôn đau ốm. Bà con xóm Lũy ai cũng quen thuộc với hình ảnh chị Mai lúc nào cũng đi từ trường mầm non về nhà vào mỗi buổi trưa để cho ông bà ăn, rồi tất tả quay lại làm việc, buổi tối lại đi như chạy về nhà. Có hôm việc nhiều quá chị về muộn một chút là hai ông bà ngồi khóc ngon lành. Vì vậy đi đâu chị cũng vội vàng, người ta thường hay đùa chị “có hai chục đứa con mọn ở nhà”! “Đi đâu mà nghĩ ông bà đang ở nhà một mình là lại thấy nóng ruột không yên được”, chị tâm sự.
Với chị Mai, hai mươi ba năm qua bệnh viện từ huyện tới tỉnh đã gần như trở thành ngôi nhà thứ hai của chị vì ông bà ngoại đau ốm xoành xoạch. Những đồng tiền ít ỏi kiếm được chị dành dụm để phòng lúc ông bà đi bệnh viện. Tết đến, không như người ta sắm sanh đủ thứ, chị lại dành phần lớn tiền để mua bỉm và sữa cho người già.
Hôm chúng tôi ghé lại nhà chị Mai, trời miền Trung rét đậm. Cụ ông lên cơn đau liên tục, trong cơn mê sảng lúc nào cũng chỉ đòi cô cháu ngoại yêu quý của mình. Cụ Lê lại động viên: “Mi ráng nuôi ông cho tới trăm tuổi đi nghe, tao xin Chính phủ cấp cho mi cái bằng khen mới được”, “Cháu không dám nhận bằng khen chi hết, chỉ cần ông bà cháu khỏe mạnh là được”, chị Mai vừa xoa dầu cho ông ngoại vừa cười hiền lành.
Tạm biệt cô cháu ngoại hiếu thảo của xóm Lũy, chúng tôi tự hỏi không biết liệu có bằng khen nào cho lòng hiếu thảo như cụ Lê nói hay không?
Theo HÀ NGUYÊN – PHÚ AN / Báo Công An Nhân Dân Online