Họ là những nông dân chân lấm tay bùn thuộc 4 xã huyện Yên Thành, vựa lúa của tỉnh Nghệ An. Trời đổ mưa, không ai về nhà mà trú tạm trong chòi dưa để chờ tạnh mưa rồi gặt tiếp.
Trên cánh đồng bằng phẳng, chỉ có chiếc chòi đó là cao nhất nên cũng là tâm điểm của thiên lôi. Chỉ trong vài dây cánh đồng Bò Rò (xóm Phan Đăng Lưu xã Nam Thành) chìm trong tiếng la hét thất thanh và mùi thịt cháy khét lẹt. Chưa hết hoảng sợ
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Đức- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Những nạn nhân trong vụ sét đánh vừa rồi đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chủ yếu là làm nông nghiệp. Sau khi nhận được báo cáo của các xã về vụ sét đánh, sáng nay Ủy ban Nhân dân
huyện Yên Thành đã tổng hợp và có báo cáo cụ thể để thông tin chính xác gửi các cơ quan chức năng danh tính của 6 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sét đánh, 20 nạn nhân bị thương trong chiều 16/5/2009.
Trong 4 điểm sét đánh thuộc 4 xã Nam Thành, Trung Thành, Bắc Thành, Khánh Thành thuộc huyện Yên Thành trên 5 cánh đồng. Đồng Bò Rò và đồng Địa Nhất xã Nam Thành, đồng Chành Châu xã Trung Thành, xóm Phú An xã Khánh Thành, đồng Cồn Lĩnh xã Trung Thành đã cướp đi 6 sinh mạng và 20 người bị thương khi họ đang đi gặt lúa. Anh Hoàng Văn Thao đang chăm anh Phan Công Cương tại trung tâm Y Tế huyện Yên Thành cho biết: Sét đánh khoảng hơn 15 giờ, hôm đó tôi đang ở nhà, khi nghe tiếng kêu cứu thất thanh của một số bà con đang ngoài đồng, tôi chạy ra thì thấy anh Cương nằm bất động dưới một cái hố cách cái lều chăm dưa hấu khoảng 5m, toàn thân tím tái, tôi bồng chạy về trạm xá của xã, sau hơn 1 tiếng đồng hồ anh Cương mới tỉnh, sau đó đưa đi trung tâm Y tế huyện Yên Thành. Sau hai ngày nằm ở Trung tâm Y tế của huyện Yên Thành và được các bác sỹ chăm sóc, anh Cương đã hơi bình phục, đầu óc đã tỉnh táo. Anh kể lại: Trong lều chiều hôm đó, tôi đứng ngoài nhường chỗ khô cho mọi người, bất thình lình một tia chớp xé xuống rồi một tiếng nổ vang trời, sau đó tôi không biết gì nữa. Sau khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở đây với toàn thân đau mỏi và rất mệt, không ăn được, uống sữa vào thì đau bụng. Chị Nguyễn Thị Hiền vợ anh đau xót nói: “Hai ngày nay tôi khi nào cũng ở bên anh, buổi đêm anh hay nói sảng, hai chân sưng to thỉnh thoảng kêu đau, ở phần lưng nơi sét đánh”.
Bác sỹ Nguyễn Duy Chính- Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện Yên Thành cho biết: “Sau khi nhận được thông tin chúng tôi đã điều 2 xe kèm theo bác sỹ lên trạm xá xã Nam Thành, hiện 2 nạn nhân nặng nhất đang nằm ở trung tâm Y tế của huyện là anh Phan Công Cương và cháu Đặng Thị Giang. Cháu Giang bây giờ đã đỡ, chỉ có tinh thần là chưa hồi phục vì quá sợ nên đang có tình trạng hoảng loạn”. Cháu Giang đang được mẹ và bà ngồi bên cạnh chăm sóc, cháu thì ngồi nhưng đôi mắt vẫn lời đờ nhìn về xa xăm như đang cố nhớ ra điều gì đó: “Cháu sợ lắm các chú ạ, cái cảm giác bị hất tung lên cao rồi ngất đi, khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở viện. Biết được có mấy người chết nên cháu càng sợ hơn… Cháu sợ lắm”.
Tại buổi tiếp xúc với em Giang trên giường bệnh nhân, được biết cháu Giang nằm ở trung tâm Y tế huyện Yên Thành đã 2 ngày, nhưng đến thời điểm chúng tôi có mặt tại trung tâm Y tế thì lãnh đạo tỉnh, huyện và xã Nam Thành cũng như các bạn cùng lớp đến hỏi thăm và trao tiền hỗ trợ, còn cô giáo chủ nhiệm của em Giang và ban giám hiệu nhà trường chưa có mặt để động viên, thăm hỏi…?
Bác sỹ Nguyễn Duy Chính cũng cho biết tình trạng sức khoẻ của anh Phan Công Cương đến tại thời điểm ngày 18/5: “Anh Cương do bị sét đánh vừa bị bỏng điện và nhiệt nên rất khó đánh giá độ sâu của vết thương, trung tâm đang tiến hành theo dõi từng bước để có cách điều trị phù hợp nhất trong từng thời điểm”.
Ông Nguyễn Đức Đài chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành cho biết: Những nơi sét đánh lần này thì trước đây sét cũng đã từng đánh chết người, cũng theo ông Đài thì mỏ sắt kéo dài từ xã Mã Thành lên Minh Thành, có thể đây là nguyên nhân mà sét đánh.
Sáng 17/5/2009, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Đình Chi- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã cùng lãnh đạo huyện Yên Thành đến thăm hỏi, chia sẽ gia đình các nạn nhân. Tỉnh đã hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân chết bốn triệu đồng, bị thương nặng một triệu đồng và bị thương nhẹ năm trăm nghìn đồng.
Làm thế nào để hạn chế thấp nhất tai nạn do sét đánh?
Làm việc với Đài khí tượng thuỷ văn khu vực bắc Trung bộ, kỹ sư Nguyễn Xuân Chỉnh phó giám đốc đài cho biết: Giông lốc, sấm sét là những hiện tượng thời tiết xảy ra nhanh và vô cùng nguy hiểm, hiện tại ngành khí tượng thuỷ văn chưa thể dự báo trước được để cho người dân phòng và tránh nhưng để hạn chế một cách tối đa hiện tượng này thì người dân cần nắm bắt được một số thông tin sau: khi bầu trời xuất hiện mây giông, tốt nhất là rút hết phích cắm các thiết bị điện- điện tử ra khỏi ổ cắm điện, ngắt ăng ten ra khỏi tivi, trường hợp đang đi ngoài đường hoặc đang làm trên đồng trống, không thể tìm được chỗ trú an toàn thì tuyệt đối tránh trú ẩn dước các gốc cây cao. không cầm nắm các vật bằng kim loại, máy móc, nông cụ… Giữa đồng trống, nếu không vào nơi trú ẩn an toàn được thì nên chọn nơi nào có mặt ruộng thấp, không trũng nước, từng người trùm riêng lẻ áo mưa hoặc nilon và càng hạ thấp độ nhô cao càng tốt. Những ngôi nhà xây dựng vững chắc, đóng kín các cửa là nơi phòng tránh giông lốc, sấm sét an toàn nhất. Khi có giông sét, mọi người cũng cần tránh ngồi gần cữa, vách tol, dây và ổ cắm điện, chỗ có nước… và không nên nói chuyện điện thoại. Vụ sét đánh ở Yên Thành là do nhiều người ngồi cùng một chỗ, lại giữa đồng trong cái chòi tại cánh đồng nhô cao nhất trên mặt đất, đây có thể là chính là nguyên nhân bị sét đánh.
Ông Nguyễn Xuân Tiến- Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thuỷ văn bắc Trung bộ cho biết thêm: Thường vào thời điểm xảy ra giông sét nhiều nhất đó là giao mùa, nhất là vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, khi mùa khô hết chuyển sang mùa mưa. Không khí oi bức là do khí áp thấp, độ ẩm không khí nhỏ, nơi khí áp cao nó di chuyển đến nơi khí áp thấp, trời nhiều mây thì khí áp tăng cao, khả năng xảy ra giông sét là rất lớn, những lúc như thế người dân cần di chuyển đến nơi an toàn để phòng tránh giông sét.