HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Áp dụng hệ thống canh tác SRI trên đồng ruộng Yên Thành, Nghệ An

Yên Thành là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh Nghệ An với diện tích 12.500 ha, sản lượng lương thực đạt 145.000 tấn/năm. Trước đây, Yên Thành sản xuất lúa không hiệu quả do chi phí đầu tư nhiều về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, vượt mức cho phép và sử dụng phân bón không cân đối. Hiện nay, hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) là một tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và khuyến khích các địa phương ứng dụng. Hệ thống canh tác này cũng được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và nhiều tỉnh trên phạm vi cả nước, đạt hiệu quả cao.

Nhằm mục tiêu tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng, đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ, bà con nông dân về kỹ thuật canh tác lúa Trạm Bảo vệ thực vật Yên Thành phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã Xuân Thành thực hiện chương trình hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI năm 2009.
Ap dụng hệ thống SRI trên đồng ruộng
Ruộng ứng dụng SRI thực hiện trên chân đất vàn, dễ tưới và tiêu nước; cấy mạ non, mạ khỏe 2,5 – 3 lá; bứng mạ để cấy trong ngày, cấy thưa, cấy một dảnh và cấy nông tay; bổ sung chất hữu cơ và bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa, gồm 6 tấn phân chuồng, 166 kg urê, bón lượng đạm 2 lần căn cứ vào kết quả so màu lá, 400 kg lân và 140 kg kali; làm cỏ sục bùn tạo độ thoáng cho đất; điều tiết nước: rút nước lần 1 sau bón thúc đẻ nhánh 5-7 ngày, rút nước lần 2 vào giai đoạn lúa chín sáp đến khi chín hoàn toàn. Ruộng đối chứng theo tập quán của địa phương được sử dụng cấy tuổi mạ 3,5- 4 lá; mật độ 40 – 45 khóm/m2, 2-3 dảnh/khóm; lượng phân bón, gồm 6 tấn phân chuồng/ha; 400 kg NPK, 220 kg đạm urê và 70- 80 kg kali.

Kết quả sau 18 tuần, cây lúa trong ruộng ứng dụng SRI sinh trưởng phát triển tốt, cây to, khả năng đẻ khoẻ, dảnh hữu hiệu nhiều (tối đa 1,2 dảnh/khóm), bông cho nhiều hạt (188-191 hạt/bông), tỷ lệ hạt chắc cao, sáng mẩy, năng suất bình quân 64,75 tạ/ha, lúa ở ruộng đối chứng đạt 59,5 tạ/ha. Sâu bệnh hại trên cây lúa ứng dụng SRI ở mức độ nhẹ, bệnh khô vằn giảm 1-2 lần so với lúa cấy thông thường, sâu cuốn lá và rầy nâu chỉ xuất hiện rải rác.

Qua quá trình thực hiện, cho thấy: Trong sản xuất lúa nước, cấy mạ khi cây có 2-3 lá là tốt nhất, cấy 1 dảnh, cấy mật độ thưa 25-30 khóm/m2. Áp dụng hệ thống canh tác SRI sẽ giảm được lượng giống, chỉ sử dụng 0,77 – 0,78 kg/sào, phân bón giảm, chỉ sử dụng 166 kg urê/ha, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 1-2 lần/vụ hoặc không cần phun thuốc, hiệu quả kinh tế tăng 12%. Chúng tôi nhận thấy, hệ thống canh tác lúa cải tiến – SRI có hiệu quả thiết thực với nông dân, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người dân. Đây là mô hình cải tiến lúa đạt năng suất cao, giảm chi phí và bảo vệ môi trường, sức khoẻ con người, cần nhân rộng để góp phần phát triển sản xuất lúa bền vững ở Yên Thành nói riêng và Nghệ An nói chung.

Nguyễn Thị Thu (theo tờ tin KNKNVN)

Tin bài liên quan