“Siêu biệt thự” cao đến chục tầng xây từ đá táp lô và trụ bê tông, do một lão nông nghèo tự tay thiết kế và xây dựng; từng đánh thức trí tò mò của không ít người dân địa phương và lữ khách mỗi dịp đi qua.
“Thi công” suốt ¼ thế kỷ
Nằm sát trục đường tỉnh lộ 538, căn “biệt thự” kỳ quái của lão nông Nguyễn Ngọc Cường (55 tuổi, xóm Đồng Xoài, Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) với nóc tháp nhọn cao vút, trở nên nổi bật và dán chặt vào ánh mắt người đi đường.
Ông Cường nguyên là cựu chiến binh, từng tham gia kháng chiến ở chiến trường Campuchia. “Giã từ vũ khí”, ông trở về quê nhà tham gia sản xuất nông nghiệp, cưới vợ rồi sinh con đẻ cái.
Những người dân Đồng Xoài nhớ lại, khoảng độ cuối năm 1988, ông Cường có ý định tu sửa căn nhà cấp 4 đã cũ kĩ.
Tuy nhiên, thay vì thuê thợ xây nhà mới, ông “dày công” thiết kế rồi tự tay xây dựng, trước sự sững sờ và can ngăn của nhiều người.
Ý định ban đầu của lão nông này là xây một căn nhà cao nhất vùng gồm 10 – 15 tầng, trong đó có 5 tầng chính có thể ở, còn lại là một “ngọn tháp” 5 – 7 tầng nhỏ chu vi hình lục giác nổi bật ở phía trên.
Người dân địa phương chưa hết “sốc” với ý định táo bạo của ông, càng bất ngờ hơn nữa khi ông Cường chỉ tự mình xây dựng, tự tay trộn vữa rồi dùng cả dây đu để thi công.
Căn nhà “kì quái” dần hình thành. Không có móng nhà, ông “bố trí” dàn cột trụ bê tông mỏng manh chống đỡ xung quanh.
“Ông ấy tự tay mần (làm) cả đấy. Vợ con muốn xúm vô cũng chịu. Chỉ có hôm đổ trụ bê tông là mấy người hàng xóm xắn tay giúp” – bà Nguyễn Thị Hoa, một hàng xóm lắc đầu kể lại.
Khi ông bắt đầu thi công những tầng cao, hàng xóm cùng cơ quan chức năng địa phương ái ngại đã khuyến cáo về độ an toàn, thế nhưng ông vẫn kiên định với những “thông số” kỹ thuật đã vạch ra.
Năm này qua năm khác, lão nông tỉ mỉ chăm chút công trình “thế kỷ” của mình, có lúc bán cả lợn gà để lấy tiền xây dựng.
Kinh phí hạn hẹp, lại phải bận bịu với ruộng vườn nên công trình không ‘hoàn thành sớm như dự kiến’ của chủ nhân, cũng như không được xây dựng như ý định thiết kế ban đầu.
Ông tẩn mẩn xây dựng suốt hơn 20 năm mà vẫn chưa xong, cho đến khi đổ bệnh phải ngừng 2 năm nay.
Chân dung vị “kiến trúc sư”
Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được với ông Nguyễn Ngọc Cường. Ông luôn ở nhà một mình, đóng kín cửa và nằm trong căn phòng ngột ngạt.
Người thân, hàng xóm cũng ái ngại ghé thăm, phần vì không muốn tò mò, phần vì… “sợ”.
Câu chuyện vòng vo một lát, hai bên trở nên thân mật! Chủ nhân sẵn sàng cởi mở trong khi khách lạ cũng trút hết vẻ ái ngại ban đầu.
Ông cho biết, sinh ra vốn nghèo nàn, đi bộ đội về cưới vợ cũng trong cảnh khó khăn. Hai vợ chồng cày sâu cuốc bẫm quanh năm cũng chỉ đủ chật vật nuôi con, không một xu tích lũy để sửa sang nhà cửa.
“Hồi ở bên Campuchia, tui đã có ý định sau này về quê sẽ tự tay xây một căn nhà, nhưng cũng chưa biết sẽ xây như thế nào. Nhiều người hỏi tui là có bản vẽ hay thiết kế căn nhà từ trước không. Nói thật, tui mô biết mấy thứ đó”.
Ông kể tiếp, vẻ rất thành thật: “Tui không hiểu mần răng lại xây được căn nhà như thế này nữa chú à, chắc có lẽ ma quỷ xui khiến đó(!). Lúc đầu nghĩ nhà không có tiền, mình tự tay xây rứa xong khi mô thì xong. Một mình tui tự trộn vữa, bốc đá lên xây. Tui nghĩ đến mô xây đến đó. Không có giàn giáo chi cả mà tự đu dây lên, lắp ròng rọc để xây”.
Từ khi ông nảy ra ý định xây nhà, vợ chồng bán cả lúa thóc, lợn gà lấy kinh phí. Con cái đi làm thuê làm mướn thỉnh thoảng cũng gửi về, rồi cũng đổ vào căn nhà cả!
“Từ lúc xuất ngũ, sức khỏe tui không còn như trước. Cách đây vài chục năm, vợ tui đã chở tui vô bệnh viện tâm thần tỉnh để khám và điều trị. Sau đó, đi cả Hà Nội mấy lần rồi thuốc thang liên miên mà có khỏi mô. Năm 2009, tui đổ bệnh nặng, rứa là nghỉ hẳn việc xây nhà luôn” – ông thủ thỉ.
Ông bà có 5 mặt con, hai con gái lấy chồng xa. Con gái thứ 2 có lẽ do ảnh hưởng từ bố, cũng bị tâm thần, hễ thời tiết thay đổi là đập phá đồ đạc và đánh người xung quanh. Con trai út thì đang học cấp ba.
Hiện tại, căn nhà “dự định thế kỷ” của ông xây nên vẫn dở dang và không thể ở, cả gia đình vẫn sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ bố mẹ để lại.
Người dân địa phương từ chỗ ngạc nhiên đến thán phục, bây giờ lại cảm thấy ái ngại cho gia cảnh ông.
Theo Cao Nam/ Báo Vietnamnet