Từ ngày 6/3 đến nay, dịch tai xanh đã bùng phát và lan nhanh ra diện rộng tại 3 xã Phú Thành, Thọ Thành và Đô Thành, thuộc huyện Yên Thành, sau đó lan tiếp ra một số xã như Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân (huyện Quỳnh Lưu) và Diễn Thái, Diễn Kim (huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An, đã làm tổng số lợn mắc bệnh lên tới gần 400 con. Trong đó có 103 lợn nái và gần 300 lợn thịt đã phải tiêu hủy. Dịch đang có chiều hướng tăng nhanh từng ngày.
Theo báo cáo của huyện Yên Thành, dịch bùng phát đầu tiên tại 2 hộ chăn nuôi của ông Võ Huy Á ở xóm Trung Lai và Lưu Văn Trọng ở xóm Nam Lai, xã Phúc Thành. Đàn lợn có các triệu chứng bệnh tai xanh khá điển hình, nhưng do chủ quan nên các hộ chỉ gọi thú y viên đến chạy chữa, vì thế chỉ sau mấy ngày đã lan nhanh ra trên 102 hộ thuộc 10 xóm. Dịch tai xanh đã cướp tổng cộng 226 con lợn (57 nái và 169 lợn thịt) của các hộ dân trong các xóm. Trong khi cán bộ thú y huyện đang tập trung dập dịch tại xã Phú Thành thì ngày 12/3, dịch lại bùng lên tại nhiều hộ chăn nuôi tại 9 xóm thuộc xã Thọ Thành. Tại xã này, chỉ sau 2 ngày dịch bùng phát, từ 15 hộ lan nhanh ra 31 hộ, khiến 61 con lợn (14 nái và 47 lợn thịt) đã phải tiêu hủy. Cũng trong ngày 12/3, dịch tai xanh bùng lên tại 19 hộ dân thuộc 5 xóm của xã Đô Thành khiến 24 con lợn (11 nái và 13 lợn thịt) bị tiêu hủy. Đến ngày 17/3, dịch lại lan sang 1 xóm xã Hồng Thành và 1 xóm xã Văn Thành, phải tiêu hủy thêm 3 con lợn nái nữa.
Phun tiêu độc khử trùng tại xã Hồng Thành
Điều tai hại là dịch đã “đặt chân” tới 3 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu gồm Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn và Quỳnh Xuân (mỗi xã có 1 hộ bị dính dịch), cướp đi 14 con lợn nái và 53 con lợn thịt. Hiện dịch tai xanh đã xuất hiện thêm tại 2 xã Diễn Kim và Diễn Thái. Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Diễn Châu, đã phát hiện dương tính bệnh tai xanh trên 4 con lợn nái và 5 con lợn thịt.
Cho đến chiều ngày 18/3, mặc dù Chi cục Thú y Nghệ An và các Trạm Thú y Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu huy động hết các lực lượng để tiêm phòng văcxin, triển khai các biện pháp ứng phó như tiêu độc, khử trùng và lập các chốt kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch, nhưng tại các điểm có dịch, số lợn bị dính dịch tai xanh vẫn chưa chịu dừng lại. Theo số liệu mới nhất báo cáo về Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến chiều 18/3, tại 184 hộ, thuộc 40 xóm của 10 xã, các địa phương nói trên đã tiêu hủy tổng cộng 381 con lợn bị bệnh, trong đó có 99 lợn nái và 282 lợn thịt (tổng cộng 23.715kg).
Để ngăn chặn dịch tai xanh lây lan, những ngày qua, Chi cục Thú y Nghệ An đã tung toàn bộ lực lượng hiện có của mình đến các địa phương để tập trung chỉ đạo các xã có dịch thực hiện các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch tai xanh quyết liệt. Đích thân ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp lăn lộn tại cơ sở để chỉ đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Theo ông Nguyễn Thế Độ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An thì dịch tai xanh 4 năm nay liên tục xuất hiện tại huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Trong đó năm 2011, tổng thiệt hại do dịch này gây ra tại Yên Thành đã làm hàng nghìn hộ chăn nuôi của trên 30 xã điêu đứng.
Năm 2012, dịch tai xanh lại bùng phát tại 6 xã của huyện Yên Thành, tuy quy mô nhỏ hơn năm trước nhưng cũng khiến hàng chục hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề. Năm nay, do khí hậu ấm, độ ẩm không khí cao nên dịch tai xanh bùng phát trở lại chủ yếu tại các ổ tai xanh cũ. Lý do thứ 2 tỷ lệ tiêm phòng cho đàn lợn năm 2012 và đầu năm nay đạt thấp.
Bản thân chính quyền địa phương một số xã còn lơ là công tác phòng chống dịch, có xu hướng “khoán” hẳn nhiệm vụ này cho lực lượng thú y. Trong khi phụ cấp cho lực lượng thú y cơ sở thấp nên họ không mặn mà với công việc, nhiều lúc vì lợi ích cá nhân nên một số cán bộ thú y cơ sở đã dấu dịch để tự điều trị cho các hộ có lợn bệnh để kiếm tiền nên dịch có điều kiện lan nhanh ra xung quanh. Để triển khai dập dịch, hiện Chi cục Thú y Nghệ An đã huy động nguồn văcxin tai xanh dự trữ và 10.000 liều được TW hỗ trợ để cung ứng cho huyện Yên Thành (10.000 liều), Diễn Châu (2.000 liều) và Quỳnh Lưu (3.000 liều).
Nghệ An đang mua thêm khoảng 50.000 liều nữa, thế nhưng kể cả khi số lượng văcxin nói trên về đủ vẫn không đáp ứng được nhu cầu dập dịch đang rất nóng bỏng tại địa phương. Bởi với tổng đàn lợn 456.000 con của các xã, huyện có nguy cơ cao trong tỉnh thì lượng văcxin ấy chẳng thấm vào đâu.
Theo Sao Mai/ nongnghiep