Đến sáng ngày 9/5/2012, bà P và bà Hường cuối cùng cũng đã tìm về ngôi nhà mà mình đã ra đi cách đây 20 năm trong sự bất ngờ của người thân và hàng xóm láng giềng.
Phận bạc
Sinh ra trong hoàn cảnh éo le, mẹ đẻ bị bệnh mất sớm, sống với bố và dì ghẻ nên từ nhỏ bà Đào Thị Hường (58 tuổi, ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã không được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên do không được mặn mà hương sắc nên con đường tình duyên của bà cũng lận đận hơn so với các cô gái khác cùng trang lứa ở vùng quê lúa này.

Qua nhiều lần nói chuyện, người đó gợi ý xin việc cho bà Hường ở ngoài Hà Nội. Nghe nói thế, bà Hường mừng lắm và nghĩ đã gặp được quý nhân phù hộ. Sau đó không lâu, vào một đêm khuya, người phụ nữ tên M xuống gõ cửa nhà bà Hường: “Ngoài Hà Nội, họ điện cần người gấp, nhanh chân không hết cơ hội”.
Vào thời điểm đó, việc làm thu nhập cao là khá hiếm nên bà Hường không mảy may nghi ngờ. Bước tới giường đứa con đang ngủ, bà hôn đứa con và dặn: “Con ở nhà, mẹ đi làm ăn đây” rồi khăn gói đi theo người phụ nữ tên M.
Chuyến xe đưa bà Hường tới một nơi hoàn toàn xa lạ, khi bước xuống xe chỉ có những tiếng xì xồ, chỉ trỏ, ra hiệu. M đưa bà Hường đến một ngôi nhà sàn nằm đơn độc bên một khu rừng hoang vắng. Chưa hết ngỡ ngàng thì một người đàn ông da ngăm đen, tóc cắt ngắn, ước chừng hơn bà Hường mấy chục tuổi xuất hiện. M nói vội với bà Hường: “Chị sẽ ở với ông ấy cho đến lúc chết, hãy nghe lời ông ấy”.
Chợt tỉnh, bà Hường biết mình bị lừa bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Bà la hét, khóc xin nhưng bị ăn ngay mấy cái tát, rồi bị lôi đi xồng xộc trong tiếng kêu tuyệt vọng.
Thời gian đầu, bà bị nhốt trong một căn phòng tối, đến bữa chỉ nhận được 1 bát cơm với 1 cốc nước. Nhiều bữa bà từ chối không ăn, người đàn ông ấy đánh đập và đe dọa bà bằng tiếng Việt lơ lớ: “Họ đã bán mày cho tao rồi. Mày bây giờ là vợ của tao và chỉ ở đây cho đến khi chết. Không nghe lời là ăn đòn đó”. Sau đó, họ mổ gà làm lễ cúng”nhập ma nhà” rồi thả bà Hường ra khỏi phòng

Hàng ngày, bà Hường lủi thủi một mình, chỉ biết làm và làm, tối đến lại bị tra tấn về thể xác. Từ chuyện đồng áng đến việc nhà, bà Hường phải làm tất nhưng không bao giờ bà được cầm đồng tiền trong tay.
Năm năm sau bà Hường có bầu, sinh được một người con trai nhưng bị chết. Người chồng Trung Quốc mắng chửi bà là “đồ không biết đẻ”. Sau đó 2 năm, bà lại sinh hạ được người con gái. Lần này may mắn “mẹ tròn con vuông” nhưng cũng kể từ đây, bà như bị “xích vào chân, gông vào cổ”. Bà không tìm đường trốn thoát nữa, đành chấp nhận làm con “ma sống” nơi đất khách quê người. Những trận đòn của người chồng Trung Quốc cũng thưa dần, nhưng bà vẫn bị chồng theo dõi gắt gao.

“Như có một luồng điện chạy trong sống lưng, tôi giật mình ngoái đầu lại thì người đó hỏi: “Bà là người Việt Nam à, bà sang đây lâu chưa?”. Qua trò chuyện mới biết người ấy cũng gặp phải hoàn cảnh như mình. Người phụ nữ này bị bán năm 1990, cũng làm vợ một người đàn ông hơn mấy chục tuổi. Chúng tôi đã ghi lại địa chỉ của nhau sau đó qua lại cho có đồng hương, cũng là có chỗ chia sẻ chuyện vui buồn.
Phát hiện bà Hường qua lại với người phụ nữ Việt Nam, người chồng Trung Quốc tra khảo, đe dọa và kiểm soát bà Hường chặt hơn. “Có bữa tui trốn đến nhà bạn, lúc về bị ông chồng thẳng tay cho một trận đòn nhừ tử”, bà Hường nói.
Gần 10 năm đi lại, bà P với bà Hường cùng giúp đỡ nhau công việc vì thế mà ông chồng bà Hường tin tưởng và không theo dõi nữa. Nhân cơ hội này, hai người đã “bàn mưu lập kế” trốn thoát khỏi “địa ngục trần gian” về Việt Nam.
Nhưng người bất ngờ nhất là anh Phan Ngọc Hậu, con trai bà Hường. Không ngờ mẹ mình vẫn còn sống, giây phút đầu tiên khi bà về đứng ở bậu cửa nhà, anh thốt lên: “Trời ơi, có phải mẹ không?”. “Sau đó, tôi chỉ biết ôm chặt mẹ mà khóc như chưa từng được khóc”, anh Hậu nói.
Nghe chuyện bà Hường từ “cõi chết” trở về, từ làng trên xóm dưới, ai cũng muốn đến tận nơi xem và nghe cho được câu chuyện thoát khỏi “tù ngục” của bà. Từ nhà đến cổng không còn một chỗ trống, tiếng cười tiếng nói, tay bắt mặt mừng.
Trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Viết Kim, Trưởng xóm Thượng Thọ (xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết: “Sau khi nhận được thông tin bà Hường trở về nhà, chúng tôi đã có mặt thăm hỏi. Đồng thời, thông báo đến cơ quan chức năng để điều tra việc bà Hường bị lừa bán sang Trung Quốc”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ “theo báo Giáo Dục Việt Nam” hoặc “theo Giaoduc.net.vn”. Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục… của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!