
Sau đợt nắng hạn gay gắt kéo dài, cuối tuần vừa qua thời tiết đã mát mẻ trở lại và nhiều địa phương đã có những “cơn mưa vàng”. Nhưng lượng mưa vẫn không đủ tưới mát cho khắp ao hồ, đồng ruộng; không cứu vãn được cho hàng ngàn ha lúa, hoa màu đang chết cháy.
Ông Lô Hải Văn – Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim cho biết: Để cứu lúa xã đã chỉ đạo bơm nước từ dưới sông lên tưới; nhưng nhiều cách đồng ở xa nguồn nước thì không thể cứu được.
Trong khi đó tại huyện lúa Yên Thành, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, đến nay lượng nước hữu ích ở các hồ đập chỉ còn 50-60%. Hiện địa phương đã có khoảng 800ha lúa, hơn 500ha ngô, hàng chục ha lạc, vừng… bị hạn hán đe doạ.

Thời tiết phức tạp cũng khiến dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi đang có nguy cơ bùng phát. Theo ông Nguyễn Văn Dương, sâu bệnh hại lúa đang phát triển mạnh nhưng đó vẫn chưa phải là nỗi lo lớn nhất. Nguy cơ tái diễn dịch bệnh tai xanh ở lợn đang khiến ngành nông nghiệp đau đầu. Năm ngoái cũng thời điểm nắng nóng như hiện nay, dịch bệnh tai xanh đã bùng phát ở Yên Thành.

Cùng lúc này, tại Thanh Hóa, giữa cái nắng nóng lên đến gần 40 độ C, những cánh đồng mía cháy khô. Nhiều bãi mía đã được chặt chất đống đã lâu nhưng chưa được nhà máy điều xe đến chở, bị nắng hun cháy khô thành… củi.

Tại nhiều cánh đồng mía ở Thanh Hóa, người nông dân đắng lòng nhìn mía trổ cờ, khô cháy. Việc để cho mía trổ cờ, không thu hoạch kịp thời đã làm giảm năng suất, trữ lượng đường, gây thiệt hại không chỉ cho nhà máy thu mua mía mà đặc biệt là người trồng mía. Người nông dân xót xa nhìn tài sản cháy khô dưới nắng nhưng không thể làm gì bởi việc thu hoạch mía phụ thuộc vào phía các nhà máy đường thu mua mía của dân.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 600 hồ đập do các địa phương quản lý, mực nước hiện chỉ còn 40 – 60% dung tích thiết kế.