HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Ba thủ khoa tranh nhau bỏ học để nuôi mẹ

Cận tết, bố tai nạn giao thông qua đời, mẹ đang bị ung thư giai đoạn cuối. Mồng hai tết, 3 chị em đều là thủ khoa của 3 trường học khác nhau họp lại tranh nhau ai là người được bỏ học để nuôi mẹ.

Cả nhà thủ khoa

Rời quân ngũ năm 1985, anh Đặng Trọng Kỳ (1965) về quê xóm 6, xã Long Thành huyện Yên Thành kết duyên cùng chị Doãn Thị Điểm. Họ đã có với nhau 3 người con. Đó là Đặng Thị Thuỷ, Đặng Thị Kim Dung, Đặng Duy Tồn.

Vợ chồng anh Kỳ chung lưng đấu cật, quyết nuôi các con ăn học nên người. Liên tục các năm học, 3 chị em đều đạt học sinh giỏi toàn diện và nối tiếp nhau thi đậu vào Trường Trung học cơ sở Bạch Liêu (trường chuyên của huyện Yên Thành).

Ba chị em hiểu hoàn cảnh của bố mẹ nên ngoài giờ học là lo cấy thuê, gặt mướn, câu ếch, bắt lươn. Là gái nhưng Thuỷ, Dung vẫn biết nghề câu ếch, bắt lươn của đàn ông. Còn em Tồn là trai nhưng vẫn cấy lúa nhanh phăn phắt.

Vòng quay của các em là: Sáng đi học, chiều ra đồng làm thuê, tối đi đặt ống trúm, thả câu rồi về ngồi vào bàn học. Mờ sáng tranh thủ đi đổ trúm, thu câu rồi mới đến trường. Bởi vậy, mỗi ngày họ chỉ được ngủ khoảng 3 đến 4 tiếng.

Các em tận dụng tất cả những thời gian có thể để giành cho việc học. Khi đi cấy, Thuỷ tranh thủ giảng bài cho em. Lúc nấu ăn giặt dũ, Dung, Tồn nhẩm lại bài cũ. Nhờ vậy ba chị em luôn là hạt nhân trong các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh.

Năm học 2005 – 2006 chị cả Đặng Thị Thuỷ (1990) thi đậu vào Trường chuyên Phan Bội Châu. 2 năm sau cô em Đặng Thị Kim Dung tiếp tục đậu thủ khoa môn Địa lý vào trường này. Lúc này cũng là lúc ông Kỳ quyết định theo học Đại học ngành Tư pháp hệ tại chức để nâng cao kiến thức, vì ông đang là Trưởng ban Tư pháp xã Long Thành.

Khó khăn chồng chất. Hai cô chị học ở trường chuyên, ngoài giờ học lại xin rửa bát thuê cho các quán ăn ven thành phố Vinh để lấy tiền mua sách vở. Ba năm liên tục Thuỷ là lớp trưởng, học sinh giỏi xuất sắc, hai lần giải Nhì toàn tỉnh, năm lớp 12 là học sinh giỏi quốc gia và được kết nạp vào Đảng CSVN.

Noi gương chị, Kim Dung là học sinh giỏi xuất sắc, thành viên đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia. Không chịu thua hai người chị, tháng 8/2008, cậu út Đặng Duy Tồn đậu thủ khoa vào trường chọn Bạch Liêu. Chị cả Đặng Thị Thuỷ đậu thủ khoa khối C, Học viện Cảnh sát Nhân dân. ông Kỳ – bố các em đậu thủ khoa lớp tư pháp ĐH tại chức.

Từ đó cả gia đình tiếp tục lao vào một cuộc chiến cam go, vượt lên hoàn cảnh theo học đến cùng.

Niềm vui chưa qua, nỗi đau ập tới

Năm học mới đến, 3 chị em hăng hái nhập trường, mọi công việc đồng áng đổ dồn vào bố mẹ. Thuỷ được chọn vào học lớp chất lượng cao, Bí thư chi đoàn, uỷ viên BCH liên chi đoàn, phụ trách khối nữ học viên của khoá.

Dung đang học lớp 11 cũng được chọn vào đội dự tuyển quốc gia môn Lý khối 12. Trong lúc 3 chị em đang hăng say học tập thì tin dữ ập đến. Mẹ Điểm bị ung thư vòm họng. Cố gắng chạy ngược chạy xuôi, ông Kỳ vay mượn được 30 triệu đồng để chuyền hoá chất cho vợ với những hy vọng mong manh níu kéo người vợ hiền ở lại với các con thêm ngày nào hay ngày ấy. Vậy là từ nay, mọi nguồn sống của cả gia đình chỉ còn trông chờ vào một mình bố.

Ngày 29 Tết Kỷ Sửu, dù chỉ có 3kg nếp, ông Kỳ vẫn quyết định bắc nồi bánh chưng cho vui cửa vui nhà. Gia đình đang quây quần thì ông nhận được tin người đồng đội cũ phải nhập viện do vết thương tái phát. ông vội đạp chiếc xe cà tàng lên phố huyện thăm bạn.

Trên đường đi xe vấp vào một mảnh sắt kẻ nào đó vô ý quẳng ra đường hất ông té nhào, đúng lúc chiếc xe công nông lao tới… ông vĩnh viễn ra đi để lại người vợ đang mang bệnh ung thư giai đoạn cuối và 3 thủ khoa đang là mầm ươm của gia đình.

Một ngày đầu xuân, chúng tôi tìm đến nhà bà Điểm và đã chứng kiến một cảnh tượng đau lòng không sao cầm nổi nước mắt. Những vành khăn tang trắng trên đầu 3 đứa con non trẻ. Ba chị em đang lập cuộc họp với nội dung có một không hai, đó là tranh phần bỏ học.

Thủy mím môi nén khóc dọng kiên quyết: “Các em tiếp tục nhập trường. Chị sẽ bỏ học làm việc nuôi các em và chăm sóc mẹ”. Kim Dung đau đớn: “Chị học giỏi nhất, xin hãy giành phần bỏ học cho em. Em sẽ làm ruộng, làm thuê nuôi chị và em Tồn ăn học”.

Cậu út Tồn cứng rắn: “Em là con trai, em làm được nhiều nghề hơn. Hai chị cứ đi học, mọi việc em lo”. Rồi cả 3 oà khóc, ngôi nhà hai gian xiêu vẹo nhuốm một màu tang tóc thê lương ảm đạm giữa một trời quê đang náo nức rạo rực đón xuân sang.

Theo Báo Công an nghệ an

[Thảo luận trong diễn đàn]

Tin bài liên quan