Đã từ nhiều năm nay, người dân sinh sống trong khu công nhân của Cty Lâm nghiệp Yên Thành (Nghệ An) vẫn không có một cơ quan hành chính cũng như chính quyền địa phương nào quản lý, mặc dù họ đã sinh sống từ trước những năm 1975 !
Người một nơi, “khẩu” một nẻo !
Hiện tại, địa giới nơi đây vẫn rất khó xác định cũng như sự quản lý trực tiếp về hành chính đối với bốn đội sản xuất này cũng đang rất rắc rối. Đó là khu đất núi, nơi giao cắt giữa huyện Quỳnh Lưu với huyện Yên Thành, cách thị trấn Yên Thành gần 30km. Người dân ở đây hiện giờ đang thuộc sự quản lý của Cty Lâm nghiệp Yên Thành nhưng chỉ đối với những người là công nhân của Cty. Trong khi đó người dân sinh sống lại phần lớn là dân các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ…lên đây từ trước những năm 1975 và đã sống qua nhiều thế hệ ở đây.
Bà con trong 4 đội sản xuất của Lâm trường Yên Thành (tiền thân của Cty Lâm Nghiệp Yên Thành) lên đây theo Nghị định 135 của chính phủ, được giao đất, khoán rừng để sinh sống, sản xuất và là công nhân ăn lương của lâm trường. Bà con khi lên đây được tập trung thành các đội sản xuất, sinh hoạt, đóng góp công ích, tham gia nghĩa vụ như những hộ dân trong một đơn vị dân cư bình thường.
Tuy vậy, mỗi khi có việc gì liên quan đến giấy tờ như nhận lương hưu trí, xin giấy tạm vắng, tạm trú… bà con lại phải về địa phương trước kia của mình mới làm được bởi vì tại đây không có một cơ quan hành chính nào trực tiếp xử lý cho họ. Chỉ có ai hiện là công nhân của lâm trường và có hộ khẩu do lâm trường quản lý là đỡ vất vả. Bởi vì bà con ở đây chủ yếu là dân góp từ các huyện như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ…nên mỗi lần làm giấy tờ lại phải về lại địa phương cũ.
Mỗi thế hệ một hộ khẩu
Tại đây, mỗi gia đình có thể có tới 3 hộ khẩu. Do các hộ đã sinh sống ở đây từ lâu (trước những năm 1975), bố mẹ nếu chưa nghỉ hưu thì có hộ khẩu tại lâm trường, còn con cái họ thì được nhập hộ khẩu ở xã gần nhất như Lăng Thành, Mã Thành (Yên Thành), Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu)…Nếu đã nghỉ hưu thì hộ khẩu của công nhân lại được chuyển về địa phương cũ. Vì vậy, mỗi thế hệ ở đây đều có một hộ khẩu riêng.
Khó khăn nhất là tuy họ ở đây, sinh hoạt, đóng góp tại công ty nhưng mọi quyền lợi liên quan như chế độ con em miền núi hay bình xét hộ đói nghèo, gia đình văn hóa… họ đều không được hưởng do không có địa phương trực tiếp quản lý về hành chính và không có đơn vị nào đủ thẩm quyền tổ chức bình xét cho họ, địa phương nơi họ đăng ký hộ khẩu cũng không đồng ý bình xét do chỉ quản lý họ trên giấy tờ, còn thực tế như thế nào thì họ không trực tiếp giám sát. Các hộ thuộc diện nghèo đói chỉ nhận được sự hỗ trợ nhỏ giọt từ lâm trường qua các cuộc bình xét nội bộ hàng năm.
Con em các gia đình ở đây mỗi khi đi học phải đạp xe hơn 12km đường núi đến trường cấp III gần nhất, trường cấp II cũng cách nhà 8km, có em cho tới giờ vẫn phải đi bộ hay nhờ xe bạn bè đến trường nhưng vẫn không được hỗ trợ chế độ như con em miền núi. Thanh thiếu niên chỉ sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể ở công ty dành cho con em các gia đình công nhân của Cty.
Những đối tượng muốn phấn đấu vào Đảng cũng không có tổ chức nào chứng nhận vì không có cơ quan hành chính, chi bộ nào quản lý. Bà con cũng từng nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng do không đủ các điều kiện để thành lập một đơn vị hành chính cơ sở nên cho đến nay nơi đây vẫn chỉ là một khu tập thể công nhân. Bà con chỉ tạm gọi là xóm để thu hút những công nhân hưu trí và con em họ ở lại còn thực tế đây chỉ là các đội sản xuất (là cụm làng lâm nghiệp) trực thuộc cơ quan nhà nước.
Không tấc đất dù đã sinh sống hàng chục năm
Khi họ lên đây được nhà nước giao đất, khoán rừng theo hợp đồng để sản xuất nhưng khi muốn vay vốn để mở rộng sản xuất thì không có tổ chức nào đứng ra giải quyết cho họ vì trên giấy tờ, họ “không một tấc đất cắm dùi”, sổ đỏ là sổ chung do lâm trường quản lý. Lâm trường cũng không đủ thẩm quyền cấp sổ riêng cho họ vì đây là đất của nhà nước dù rằng họ đã làm nhà, sinh sống trên đó hàng chục năm nay.
Hơn nữa, đây là đất khoán theo hợp đồng của lâm trường với bà con, thời hạn 45 năm (so với cấp, bán đất vĩnh viễn ở địa phương cũ) nên bà con vẫn không dám đầu tư sản xuất, xây dựng nhà cửa kiên cố. Tuy cả gia đình 3, 4 thế hệ đều ở đây nhưng công ty chỉ quản lý công nhân của công ty, còn con em họ hay những người đã nghỉ hưu thì do địa phương nơi họ đăng ký hộ khẩu quản lý. Mỗi khi có việc liên quan đến an ninh thì bà con lại gọi địa phương gần nhất, và phải thường xuyên tập huấn, huấn luyện quân dự bị như người ở địa phương đó.
Mong ước lớn nhất bây giờ của bà con nơi đây là có một cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp quản lý họ tại nơi sinh sống để bà con được sinh hoạt bình thường, được hưởng các chế độ chính sách của nhà nước… như ở những nơi khác, con em họ được phấn đấu, được học hành, được hưởng quyền lợi mà họ đáng được hưởng. Họ cũng mong các cấp ngành địa phương giải quyết để họ có thể vay vốn mở rộng sản xuất, gắn bó với mảnh đất này.
Theo Văn Đăng / Báo Nghệ an