Sáng nào anh Phan Văn Dần (SN 1974) cũng phải nhọc nhằn tha từng bước chân tật nguyền của mình từ làng Xuân Tiêu ra chợ Hôm để ăn xin. Tan chợ, người cho nắm rau, người cho đồng bạc lẻ mang về nuôi mẹ già bạo bệnh.
Ngôi nhà tuềnh toàng của bà Phạm Thị Tuyến nằm khuất sâu trong một ngõ nhỏ của làng văn hoá Xuân Tiêu (xã Hợp Thành, Yên Thành). Bà Tuyến buồi rầu tâm sự: năm nay đã bước sang tuổi 75, hai con mắt gần bị mù hẳn, đã thế bà còn bị bạo bệnh nên không làm được việc gì.
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông, vừa đến tuổi trăng tròn bà đã tham gia đội văn công nghiệp dư ở huyện Yên Thành đi lưu diễn khắp nơi. Vì có giọng hát tuồng hay nên người dân làng trên xóm dưới đều biết đến bà Tuyến.
Lên 19 tuổi, bà Tuyến kết duyên với ông Phan Văn Cừ, người cùng quê hương Hợp Thành. Hai vợ chồng được bà con chòm xóm dựng cho túp lều tranh để chui vào chui ra.
Chẳng bao lâu sau ông Cừ qua đời. Một mình bà Tuyến ở lại nuôi 3 đứa con nheo nhóc trong hoàn cảnh cơ cực. Trong ba người con ấy, chỉ có anh Dần là con trai và là cậu út trong nhà, nhưng lại bị tàn tật nằm một chỗ. Để nuôi con, ngoài cày thuê, cuốc bẫm, bà Tuyến còn làm thêm nghề dạy trẻ.
Sau 13 năm làm nghề dạy mẫu giáo tại thôn, bà Tuyến còn tham gia làm thư ký, rồi trưởng thôn làng Xuân Tiêu một thời. Nhưng cái thời đó đâu phải như bây giờ, đi dạy học cũng như làm cán bộ thôn đều chỉ được chấm công, tính điểm. Sau mỗi vụ mùa bà Tuyến chỉ được dăm, bảy yến thóc gọi là tiền công.
Từ khi hai cô con gái đi lấy chồng, bà Tuyến lại một mình chăm sóc người con tật nguyền. Khi bước sang tuổi xế chiều, bà Tuyến bị bệnh hen, mắt mờ… nên không làm được gì nữa. Cuộc sống chỉ biết trông chờ vào người con tật nguyền kia.
Bữa ăn của hai mẹ con như thế nào đều phụ thuộc vào anh Dần sau mỗi phiên chợ trở về, xin được gì thì hai mẹ con dùng nấy.
Trước đây, không ít lần bà Tuyến đau quặn lòng, vì thấy con nằm một chỗ, bụng đói mà chỉ biết khóc, trong khi trong nhà không còn lấy một hạt gạo. Tuy nghèo kiết xác nhưng bà vẫn cố chăm sóc, tập luyện cho con và mong một ngày nào đó thằng Dần sẽ biết đi, biết nói, biết ngồi.
Và số phận đã mỉm cười với bà sau khi Phan Văn Dần lên 13 tuổi. Ban đầu Dần ngồi được một chỗ như đứa trẻ 5 tháng tuổi, sau đó biết “chựng”, rồi biết đi chập chững 5 đến 7 bước. Sau đó không những biết đi lệt đệt như bây giờ mà anh còn biết gọi mẹ và có trí nhớ. Nay đã biết sớm ra chợ xin ăn, chiều quay về.
Nhưng đến mỗi bữa cơm Dần vẫn phải nhờ mẹ đút cho ăn, hoặc mỗi lần đi vệ sinh cũng phải nhờ đến đôi tay của người mẹ già. Trong nước mắt, bà Tuyến nói: Tôi đang tính sẽ bán vạt đất đang ở với giá 10 đến 15 triệu đồng để gửi ngân hàng làm chút vốn cho con sau này. Bây giờ đang sống, một mắt còn thấy lờ mờ, mai này tôi chết đi không ai chăm sóc nó. Tội nghiệp cho thằng bé, sáng 30 tết còn đi vào chợ xin ăn, sáng mồng 2 đã lóp ngóp dậy đi vào chợ nhưng khu chợ Hôm vắng hoe. Thấy con thất thểu trở về, tui lại không cầm được nước mắt.
Điều đáng nói, hoàn cảnh bà Tuyến như thế mà không được cán bộ địa phương xét vào diện hộ nghèo để được hỗ trợ tiền ăn tết của Chính phủ.
Theo Phan Sáng / Báo Công an nghệ an