HĐH YÊN THÀNH NGHỆ AN

Khu Vực Miền Nam

Phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân

Thời tiết ấm, độ ẩm cao, xen kẽ các đợt không khí lạnh kèm theo mưa và sương mù, rất thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại, trong khi hiện đang là thời kỳ cây trồng vụ xuân sinh trưởng và phát triển. Cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho cây trồng…

Hiện tại, cây lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh, sinh trưởng nhanh và phát triển tốt. Tuy nhiên, một số dịch bệnh đã bắt đầu phát sinh và gây hại, phổ biến nhất là bệnh đạo ôn lá.

 

Bà con nông dân xã Xuân Thành (Yên Thành)
ra quân bắt châu chấu hại lúa

Bệnh bắt đầu phát sinh và phát triển mạnh từ giữa tháng 2, trên các giống lúa Xi 23 tại huyện Nghi Lộc, TP. Vinh, do ảnh hưởng của không khí lạnh kèm theo mưa ẩm kéo dài. Tính đến 10/3/2009, toàn tỉnh đã có trên 70 ha lúa bị nhiễm bệnh, trong đó có 4,5 ha nhiễm nặng với tỷ lệ bệnh trên 20%. Ngoài bệnh đạo ôn lá, trên cây lúa còn xuất hiện bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân bướm 2 chấm, với mật độ thấp. Đặc biệt, một số vùng ở huyện Quế Phong đã xuất hiện rầy nâu với mật độ trên 100 con/m2.

Ngoài ra, trên toàn tỉnh đã có trên 900 ha lạc xuân ở các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳnh Lưu… bị nhiễm bệnh sâu xanh và sâu khoang, bắt đầu phát sinh gây hại từ cuối tháng 2, mật độ phổ biến 1-3 con/m2, có nơi 25-30 con/m2.

Thời gian tới, các trà lúa đều ở thời kỳ sinh trưởng, phát triển mạnh, theo dự báo của các cán bộ kỹ thuật, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, trời ấm, xen kẽ các đợt không khí lạnh, sáng sớm có sương mù và có mưa kéo dài thì bệnh đạo ôn lá sẽ phát sinh, lây lan gây hại ra diện rộng, đặc biệt trên các giống nhiễm và những ruộng bón thừa đạm.

Với bệnh đạo ôn cổ bông, sự phát sinh gây hại của bệnh phụ thuộc vào điều kiện thời tiết ở giai đoạn trước và sau khi lúa trổ 7 ngày. Trên những vùng trước đây thường nhiễm bệnh nặng, vùng từng bị nhiễm và một số xã vùng bán sơn địa gần đồi núi có tiểu khí hậu thuận lợi cho bệnh phát triển như Thanh Chương, các vùng núi Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc.

Vào giai đoạn lúa làm đòng trở đi, nếu thời tiết nhiệt độ cao thì sau các đợt mưa rào hay nóng ẩm, bệnh bạc lá và bệnh khô vằn thường phát sinh, lây lan gây hại trên diện rộng, đặc biệt ở những ruộng lúa lai Trung Quốc, cấy dày, đất cát pha giữ nước kém, bón nhiều đạm, vùng thoáng gió, vùng bán sơn địa, miền núi. Ngoài ra, các loại bệnh khác như lem lép hạt, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân bướm 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ xít dài đều có khả năng phát sinh và gây hại trên cây lúa. Trên cây lạc, sâu xanh và sâu khoang lứa 2 sẽ phát sinh gây hại trên các trà lạc ở giai đoạn đâm tia hình thành củ vào khoảng cuối tháng 3 trở đi. Do nguồn sâu lứa 1 có mật độ khá cao, nên sâu lứa 2, lứa 3 có thể phát sinh gây hại nặng trên diện rộng.

Các địa phương, cơ quan BVTV cần tăng cường kiểm tra giám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật. Với từng loại bệnh phải có cách phòng trừ riêng. Đối với bệnh đạo ôn trên lúa, phải theo dõi sát điều kiện thời tiết, khi bệnh xuất hiện, tạm dừng ngay việc bón thúc đạm, giữ đủ nước và phòng trừ sớm bằng các loại thuốc đặc hiệu như Beam 75WP, Katana 20SC v.v… theo lượng khuyến cáo, nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh cần phun lại lần 2 cách nhau 5-7 ngày, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng các loại phân bón qua lá trên những ruộng bệnh đang phát sinh gây hại; dùng các loại thuốc trên để phun phòng trước và sau khi lúa trổ 5-7 ngày, nếu gặp thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh phát triển như mưa kéo dài, trời âm u, có sương mù. Ngoài ra, cần theo dõi sát, đề phòng các bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân bướm 2 chấm và bọ xít dài. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời, hạn chế tác hại và lây lan của bệnh.

Trên cây lạc, phải theo dõi các loại sâu xanh, sâu khoang lứa 1 (ra khoảng cuối tháng 3), kiểm tra phát hiện sâu non lứa 2 vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 để chỉ đạo phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu cao, có khả năng ăn trụi lá bằng một trong các loại thuốc như Ammate 150SE, Virtako 40WG và các thuốc có nguồn gốc sinh học như Angun 5 WDG, Map Winnerr 5 WG… Theo khuyến cáo, cần phun vào buổi chiều mát.

Theo Hương Thành/ Báo Nghệ an

[Thảo luận trong diễn đàn]

 

Tin bài liên quan